Đường dẫn truy cập

Nhật Bản phóng phi thuyền thám hiểm mặt trăng SLIM vào vũ trụ


Hình minh họa mô tả tàu vũ trụ có tên là Tàu đổ bộ Thông minh Thám hiểm Mặt trăng (SLIM) của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Ảnh: JAXA.
Hình minh họa mô tả tàu vũ trụ có tên là Tàu đổ bộ Thông minh Thám hiểm Mặt trăng (SLIM) của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Ảnh: JAXA.

Nhật Bản hôm thứ Năm phóng tên lửa đẩy H-IIA mang theo phi thuyền thám hiểm mặt trăng với hy vọng trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới đáp lên mặt trăng vào đầu năm tới.

Cơ quan Không gian Nhật Bản (JAXA) cho biết tên lửa được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở miền nam Nhật Bản theo kế hoạch mang theo tàu đổ bộ thông minh thám hiểm mặt trăng (SLIM). Thời tiết xấu đã khiến sự kiện này bị hoãn lại đến ba lần trong một tuần vào tháng trước.

Được mệnh danh là tàu “moon sniper” (bắn tỉa mặt trăng), Nhật Bản đặt mục tiêu hạ cánh SLIM chính xác tại một địa điểm được nhắm đến trên mặt trăng với sai số không quá 100 mét. Con tàu trị giá 100 triệu đôla dự kiến sẽ bắt đầu hạ cánh vào tháng 2 năm tới sau một quỹ đạo tiếp cận dài và tiết kiệm nhiên liệu.

Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa phát biểu trong một cuộc họp báo: “Mục tiêu lớn của SLIM là chứng minh việc hạ cánh có độ chính xác cao… nhằm đạt được việc ‘hạ cánh ở nơi ta muốn’ trên bề mặt mặt trăng, thay vì ‘hạ cánh ở nơi ta có thể’”.

Vài giờ sau khi phóng tàu đi vào thứ Năm, JAXA cho biết họ nhận được tín hiệu từ SLIM cho thấy nó đang hoạt động bình thường.

Vụ phóng diễn ra hai tuần sau khi Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng với tàu Chandrayaan-3 ở cực nam mặt trăng chưa được khám phá. Cùng lúc đó, tàu đổ bộ Luna-25 của Nga bị rơi khi đáp xuống mặt trăng.

Hai nỗ lực hạ cánh lên mặt trăng trước đó của Nhật Bản đã thất bại vào năm ngoái. JAXA đã mất liên lạc với tàu đổ bộ OMOTENASHI và hủy bỏ nỗ lực hạ cánh vào tháng 11. Tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 1, do công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản sản xuất, đã bị rơi vào tháng 4 khi hạ xuống bề mặt mặt trăng.

SLIM được trù liệu sẽ đáp xuống khu vực gần của mặt trăng, gần Mare Nectaris, một vùng biển trên mặt trăng, nhìn từ Trái đất, xuất hiện như một điểm tối. Mục tiêu chính của nó là thử nghiệm công nghệ xử lý hình ảnh và quang học tiên tiến.

Sau khi hạ cánh, tàu sẽ thực hiện mục tiêu phân tích thành phần của đá olivin gần đó để tìm kiếm manh mối về nguồn gốc của mặt trăng. SLIM không mang theo xe thám hiểm mặt trăng.

Tên lửa H-IIA hôm thứ Năm cũng mang theo vệ tinh Sứ mệnh Quang phổ và Hình ảnh Tia X (XRISM), một dự án chung của JAXA, NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Vệ tinh này nhằm mục đích quan sát gió plasma chảy trong vũ trụ mà các nhà khoa học coi là chìa khóa giúp hiểu được sự tiến hóa của các ngôi sao và thiên hà.

JAXA cho biết các trạm mặt đất ở Hawaii và Nhật Bản đã nhận được tín hiệu từ XRISM ngay sau vụ phóng, xác nhận rằng các tấm pin mặt trời của vệ tinh đã được triển khai thành công.

Mitsubishi Heavy Industries đã sản xuất tên lửa H-IIA và điều hành vụ phóng, đánh dấu chiếc H-IIA thứ 47 mà Nhật Bản phóng lên kể từ năm 2001, nâng tỷ lệ thành công của phương tiện này lên gần 98%.

JAXA đã đình chỉ việc phóng H-IIA mang SLIM trong vài tháng trong khi họ điều tra sự cố của tên lửa đẩy hạng trung H3 mới trong lần ra mắt vào tháng 3. Nhật Bản có kế hoạch ngừng sử dụng H-IIA sau lần phóng thứ 50 vào năm 2024.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói trong một bài đăng trên mạng xã hội sau vụ phóng hôm thứ Năm rằng việc phát triển tên lửa hàng đầu là điều cần thiết cho các hoạt động không gian độc lập của Nhật Bản.

Ông Kishida đăng trên mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter: “Chúng tôi sẽ tạo đà cho việc phóng lại tên lửa H3 thành công”.

Các tàu không gian của Nhật Bản đã phải đối mặt với những trở ngại khác gần đây, với vụ phóng tên lửa nhỏ Epsilon thất bại vào tháng 10/2022, sau đó là vụ nổ động cơ trong cuộc thử nghiệm vào tháng 7.

JAXA lên kế hoạch thực hiện Sứ mệnh thám hiểm vùng cực mặt trăng chung (LUPEX) với Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ sau năm 2025, trong đó tên lửa H3 của Nhật Bản sẽ đưa tàu đổ bộ mặt trăng tiếp theo của Ấn Độ vào không gian.

Nước này cũng đặt mục tiêu đưa một phi hành gia lên bề mặt mặt trăng vào nửa cuối những năm 2020 trong chương trình Artemis của NASA.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG