Chính phủ Philippines đang tìm cách thúc đẩy hợp tác hàng hải với Việt Nam để củng cố an toàn và ổn định cho vùng biển trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông, nơi cả hai quốc gia đều có tuyên bố chủ quyền. Đồng thời, với mục tiêu tăng cường quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ đến thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 2024, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) thông báo hôm 2/8.
Chuyến thăm của ông Marcos vào năm tới sẽ kết thúc Kế hoạch hành động 5 năm của Philippines với Việt Nam. Trong chuyến thăm, Tổng thống Marcos và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng “có thể gặp nhau để thảo luận về cách thức nâng cấp quan hệ song phương của chúng ta lên tầm cao hơn nữa”, CNN Philippines dẫn lời Ngoại trưởng Enrique Manalo cho biết hôm 2/8.
Đây sẽ là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau khi ông Thưởng lên nhậm chức chủ tịch nước vào tháng 3 năm nay.
Trước đó, ông Marcos đã có các cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2022 và tháng 5/2023. Hai nhà lãnh đạo khi đó đã đồng ý tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia trong một số lĩnh vực, bao gồm thương mại, nông nghiệp, quốc phòng và an ninh hàng hải.
Trong một bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 1/8, Ngoại trưởng Enrique Manalo nói vị trí địa lý và vị thế của Manila và Hà Nội với tư cách là các quốc gia ven biển lớn ở Biển Đông đã “làm cho hợp tác hàng hải trở thành điểm tương tác quan trọng” giữa hai quốc gia, theo Thông tấn xã Philippines (PNA).
Ngoại trưởng Manalo hiện đang ở Hà Nội để chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn.
Ông Manalo nói cả hai nước phải khám phá “các phương thức hợp tác mới” trong lĩnh vực an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Theo ông, có được an ninh hàng hải trong khu vực sẽ là một “động lực mạnh mẽ” cho quan hệ đối tác chiến lược của hai quốc gia.
Thông qua Nhóm công tác thường trực chung Philippines-Việt Nam về các vấn đề hàng hải và đại dương, Manila và Hà Nội trong những năm gần đây đã thảo luận về các thách thức và tìm kiếm các sáng kiến chung để quản lý hiệu quả các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh của họ trên Biển Đông.
Cơ chế hợp tác biển giữa Việt Nam và Philippines đã được thiết lập từ năm 2004. Từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai nước luôn được đánh giá là “rất tốt”, đặc biệt trong việc phối hợp bảo vệ lợi ích của họ trên Biển Đông, theo các chuyên gia.
“Hai bên đều coi cơ chế hợp tác biển giữa hai nước là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước”, TS. Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu khách mời cấp cao của Viện Đông Nam Á ở Singapore cho biết. “Việt Nam nói cơ chế này đóng vay trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của từng nước trên Biển Đông, từ đó giúp thúc đẩy hoà bình, ổn định khu vực và củng cố sự đoàn kết trong khối ASEAN”.
Việt Nam và Philippines là hai trong số 6 quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau trên Biển Đông.
Việt Nam trước đây đã ủng hộ Philippines trong chiến thắng của nước này trong phán quyết của Tòa Trọng tài Hague chống lại yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc.
“Quan hệ Việt Nam-Philippines đang ngày càng gắn kết hơn trên Biển Đông nói chung, và tôi kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục dưới thời chính phủ Marcos với sự hợp tác lớn hơn thông qua quan hệ đối tác chiến lược Philippines-Việt Nam”, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, nói với VOA.
Trong bài phát biểu hôm 2/8, Ngoại trưởng Philippines nói rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ đóng vai trò như một lời khẳng định rằng cả hai đều nỗ lực giữ cho các vùng biển rộng mở và tự do, và “những tranh chấp phải được quản lý và giải quyết một cách ôn hòa, phù hợp với các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng như Phán quyết Trọng tài năm 2016 về Biển Đông”, vẫn theo PNA.
Theo ông Manalo, Philippines và Việt Nam phải “chia sẻ trách nhiệm đặc biệt trong việc hợp tác” để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất và hiệu quả ở Biển Đông và phải đạt được trong thời gian sớm nhất.
Diễn đàn