Đường dẫn truy cập

Phụ huynh ‘chạy đôn chạy đáo’ kiếm trường cho con


Ảnh tư liệu - Nhiều bạn nhỏ trong tuổi đến trường này đã phải đi đi làm công, lưới cá phụ giúp gia đình mưu sinh ở những địa phương nghèo tại Việt Nam. (Hình: VDF cung cấp)
Ảnh tư liệu - Nhiều bạn nhỏ trong tuổi đến trường này đã phải đi đi làm công, lưới cá phụ giúp gia đình mưu sinh ở những địa phương nghèo tại Việt Nam. (Hình: VDF cung cấp)

33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập và phụ huynh của các em đang ‘cật lực xoay sở’ để kiếm cho con em mình một ngôi trường phù hợp với hoàn cảnh gia đình với biết bao lo lắng, bức xúc và trăn trở.

Anh Đoàn Thành Trung, một phụ huynh sinh sống tại quận Long Biên có con trai trượt trường công, cho hay ngay khi biết điểm thi, cả gia đình anh rất buồn vì lo rằng nếu không tìm được một môi trường phù hợp thì tương lai cậu bé sẽ rẽ sang hướng không tốt đẹp.

“Ví dụ thi trượt đại học thì lúc đấy các cháu cũng lớn rồi, có thể đi học nghề. Chứ đằng này ở tuổi này thì đã làm gì có đủ nhận thức. Quá nguy hiểm luôn,” anh Trung chia sẻ với VOA.

Anh cho biết dù không dư dả nhưng cũng sẽ cố đăng ký cho con trai vào học một trường tư thục chứ nhất định không vào các trung tâm dạy nghề hay giáo dục thường xuyên. Với kinh nghiệm của mình, anh cho rằng những trường nghề hay giáo dục thường xuyên ‘chả dạy dỗ được nghề nghiệp gì ra hồn, trẻ em những gia đình không còn lựa chọn nào khác thì mới vào đấy, đâm ra học mấy năm xong lại thành hư hỏng.’

Cùng chung hoàn cảnh với anh Trung là chị Nguyễn Bích Thuỷ, một phụ huynh sinh sống tại quận Hai Bà Trưng. Chị Thủy cho biết con gái chị chỉ thiếu nửa điểm để vào trường công và chị, cũng như phần lớn các phụ huynh cùng hoàn cảnh, sẽ nhất quyết ‘hạn chế chi tiêu đến mức tối đa’ để cho con theo học một trường tư chứ không tới các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề như Sở Giáo dục Hà Nội khuyến khích trên báo chí trong mấy tuần vừa qua.

“Họ ra cái điều rằng đó là chủ trương của nhà nước. Có nghĩa là Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội chỉ được nhận từng đấy thôi…bắt buộc tất cả những học sinh trượt phải vào trường nghề, phải chọn lựa trường nghề và trường giáo dục thường xuyên,” chị Thủy nói.

Chị Thủy cho rằng đấy là cách lấp liếm cho tình trạng thiếu trường thiếu lớp ở Hà Nội đã diễn ra hàng chục năm nay, khi dân số thành phố thì tăng nhanh mà trường lớp thì được đầu tư nhỏ giọt. “Chứ các quan chức lãnh đạo ngành giáo dục và các gia đình đều biết chất lượng đào tạo của các trường nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên như thế nào. Có ai dám cho con vào đấy học đâu,” chị Thủy tiếp lời.

Hai phụ huynh này cho biết việc cho con vào trường dân lập thực sự là một gánh nặng rất lớn về kinh tế cho những gia đình như họ, vốn chỉ là những công chức bình thường. Học phí của trường dân lập ít nhất cũng từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng, chiếm phân nửa thu nhập của gia đình. Phân nửa thu nhập còn lại phải trang trải mọi thứ tiêu dùng, từ ăn uống, quần áo, sách vở, điện, nước, cho tới xăng xe... Đây thực sự là một bài toán khó cho những gia đình cùng cảnh ngộ.

Ngoài ra, việc chọn trường dân lập cũng tốn công sức và thời gian bởi chất lượng đào tạo và môi trường giáo dục của những ngôi trường này phần lớn còn nhiều hạn chế.

“Có hai loại dân lập. Thứ nhất là dân lập dành cho những đứa có bố mẹ rất nhiều tiền. Còn loại khác thì như ngoài ngõ nhà mình có cái trường cấp 3 dân lập đây này. Chả hiểu học hành dạy dỗ thế nào mà 9, 10 giờ sáng mình ra thì thấy quán trà đá ngoài đầu ngõ cứ kín đặc, toàn đồng phục học sinh ngồi đấy,” chị Thủy nói.

Có chung sự lo lắng như chị Thủy, nhưng anh Trung cho rằng bây giờ xin được cho con vào một trường dân lập để không phải đi học nghề cũng là tốt lắm rồi. Ngay cả những trường chất lượng không được tốt cũng không phải dễ xin vào.

“Nhiều trường tư hiện nay đã không thèm nhận thêm học sinh nữa rồi. Trượt trường công, người ta vào nhiều quá nên họ nhận đủ chỉ tiêu là thôi, không nhận nữa. Căng lắm đấy,” anh Trung cho biết. Anh nói bây giờ bất kể là trường nào, anh cũng sẽ tìm cách xin cho con trai vào học trước đã, rồi năm học tới từ từ tìm kiếm và tính tiếp, chứ để cháu ở nhà chơi một năm thì còn nguy hiểm hơn nhiều.

May mắn hơn anh Trung và chị Thủy, anh Nguyễn Hoàng Anh, một phụ huynh có hai con trai vừa thi đỗ vào trường công ở huyện Thanh Trì, cho biết anh thật sự vui mừng vì nếu các cháu không đỗ thì không biết sẽ giải quyết thế nào. Anh nói nếu cho cả hai cháu học trường tư với chi phí trên dưới 30 triệu/tháng thì không kham nổi, còn cho con đi học nghề thì ‘sẽ làm hỏng hết tương lai của các cháu’. Trường công vẫn là ‘lựa chọn hoàn hảo’ cho những gia đình có khả năng kinh tế hạn chế như anh dù có đôi chút phiền phức.

“Bây giờ trường công ở Thanh Trì cũng đỡ rồi. Cơ sở vật chất được đầu tư cũng ngon và có tiêu chuẩn. Tất nhiên ngày nọ ngày kia thì hơi phiền chút là phải đi thăm hỏi, chăm sóc thầy cô giáo. Thì tính ra mỗi năm thêm chục triệu cho khoản đấy. Như thế thì vẫn rẻ hơn nhiều so với học trường tư,” phụ huynh này chia sẻ.

Báo nhà nước dẫn nguồn từ Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết kỳ thi vào lớp 10 vừa qua ở thành phố Hà Nội có gần 105.000 học sinh đăng ký trong khi chỉ có 72.000 thí sinh được tuyển vào hệ thống trường công.

Hà Nội dự kiến các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sẽ đón khoảng 10.000 học sinh và trên 17.000 em sẽ vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, trong số 33.000 học sinh thi trượt vào trường công lập cấp ba.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG