Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Hun Sen điều binh tới biên giới Việt Nam, treo thưởng để bắn hạ drone


Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Hun Sen vừa ra lệnh điều 500 quân và 200 hệ thống vũ khí phòng không tới 4 tỉnh đông bắc giáp Việt Nam và treo thưởng 200.000 đô la cho việc bắn hạ thiết bị bay không người lái (drone) bị cáo buộc xâm phạm lãnh thổ Campuchia, theo Nikkei Asia và truyền thông Campuchia.

“Hãy tiến hành đặt sẵn vũ khí. Sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào để bắn hạ (thiết bị bay không người lái). Từ chiều nay trở đi, nếu không bắn là có chuyện với tôi đấy”, Thủ tướng Hun Sen nói với quân đội Campuchia vào ngày 28/6 trong một bài phát biểu trước công nhân nhà máy may mặc ở Phnom Penh.

Nhiều thiết bị bay không người lái được cho là đã bay vào lãnh thổ Campuchia trong những ngày gần đây.

Trong một thông điệp gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh, và các sĩ quan quân đội cấp cao khác vào ngày thứ Ba, thủ tướng Hun Sen nói rằng chính phủ Việt Nam không liên quan đến các thiết bị bay này, Khmer Times đưa tin.

Trong thông điệp, Thủ tướng Hun Sen chỉ thị cho người đứng đầu đơn vị cận vệ riêng của mình triển khai 500 binh sĩ đến biên giới phía đông với Việt Nam để bắn hạ máy bay không người lái mà ông nói đã bay vào tỉnh Ratanakiri, phía bắc Mondulkiri.

Cả hai tỉnh này đều có đất nông nghiệp và rừng ở nông thôn, ít có sự can thiệp của các cơ quan chính phủ lớn.

“Tôi muốn cảnh báo bất kỳ quốc gia nào cho phép thiết bị bay không người lái xâm chiếm Campuchia và tiến hành khủng bố trên đất Campuchia rằng nếu chúng tôi tìm ra kẻ làm điều đó, chúng tôi sẽ đệ trình vụ việc lên Liên Hiệp Quốc. Và tôi muốn xác nhận rằng bất kỳ ai hoặc bất kỳ đơn vị quân đội nào có thể bắn hạ một thiết bị bay không người lái, tôi sẽ thưởng cho 200.000 đô la”, lãnh đạo Campuchia nói.

Lệnh của Thủ tướng Campuchia được đưa ra sau khi xuất hiện đoạn video cho thấy ánh sáng của drone lơ lửng trên bầu trời vào đêm 27/6 tại một khu vực được xác định là quận Koh Nhek, cách biên giới ở Mondulkiri khoảng 20-40 km.

“Chúng tôi đã hỏi Việt Nam và Việt Nam không biết. Việt Nam không có lợi ích gì khi gửi thiết bị bay không người lái đến Campuchia mà không thông báo cho Campuchia”, Nikkei Asia dẫn lời Thủ tướng Campuchia nói.

Không nói cụ thể, nhưng ông Hun Sen cho rằng các thiết bị bay trên có thể liên quan đến một cuộc tấn công gần đây của một nhóm vũ trang nhỏ nhằm vào các trụ sở chính quyền ở tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam, khiến 9 người thiệt mạng.

Theo quy định của luật Việt Nam, người dân bị cấm sử dụng các thiết bị bay (drone/flycam thường được dùng để quay phim, chụp ảnh…) ở biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Lào, Việt Nam với Campuchia trong khu vực 10000 m tính từ đường biên giới trở vào nội địa Việt Nam ở mọi độ cao. Anh Thanh, một cư dân ở huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk, giáp giới với tỉnh Mondulkiri của Campuchia, xác nhận điều này với VOA.

“Khu vực của mình mà xài cái đó là quân sự bắt liền. Chỉ dành cho công an, nhà báo, truyền hình… thì được, chứ còn ở đây dân không ai dám xài đâu. Lỡ xài nó cũng bắt. Nó kêu xuống cất ngay chứ không thôi nó bắt”.

Tuy nhiên, một phụ nữ ở huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk, cách nơi xảy ra vụ tấn công vào trụ sở chính quyền khoảng 100km và cách biên giới Campuchia khoảng 200 km, cho VOA biết khu vực của chị người dân vẫn dùng drone/flycam để xem ruộng rẫy.

“Họ chỉ dùng để máy flycam để làm công việc của họ, ví dụ như họ kiểm tra trong rẫy của họ vì diện tích đất rộng. Họ bay như thế để đỡ mất công mình phải lội vô trong vườn, chứ không dùng để bay sang nước nọ nước kia được”.

VOA đã liên lạc với chính quyền huyện Krông Ana để tìm hiểu thêm nhưng một nhân viên văn phòng cho biết các lãnh đạo huyện đều đang bận họp, không tiếp chuyện được.

Thủ tướng Hun Sen cho biết Campuchia và Việt Nam đang hợp tác để tăng cường an ninh biên giới giữa bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy một số phần tử nổi dậy có thể đã trốn sang Campuchia sau vụ tấn công, theo tờ Phnom Penh Post.

Hiện vẫn chưa rõ động cơ đằng sau vụ tấn công ở Đăk Lăk.

Nhà chức trách Việt Nam đã truy tố ít nhất 84 người với cáo buộc “khủng bố” và cho là họ có liên quan đến các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài.

Trước đó, hôm 16/6, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng Campuchia lục soát những ngôi làng vùng biên giới với Việt Nam để truy tìm những kẻ tình nghi sau vụ tấn công ở Đăk Lăk.

Thủ tướng Hun Sen mô tả vụ nổ súng ở Việt Nam là một “cuộc tấn công khủng bố” và cho biết chính quyền Campuchia đã hợp tác với Việt Nam kể từ sau vụ tấn công.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG