Trụ sở của ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024 và những đối tác về cơ sở hạ tầng của họ đã bị cảnh sát lục soát hôm thứ Ba 20/6 trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc biển thủ công quỹ và thiên vị, các công tố viên cho biết.
Văn phòng công tố tài chính quốc gia (PNF) cho biết trụ sở của Olympic Paris 2024 đã bị đột kích trong bối cảnh cuộc điều tra sơ bộ được khởi sự năm 2017 nhằm vào các hợp đồng do ban tổ chức Thế vận hội Mùa hè thực hiện.
Trụ sở của SOLIDEO, cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng cho Olympic và Paralympic, cũng đang bị khám xét trong bối cảnh cuộc điều tra sơ bộ có từ năm 2022, sau cuộc kiểm toán của Cơ quan Chống tham nhũng Pháp, PNF cho biết thêm.
“Một cuộc lục soát hiện đang được tiến hành tại trụ sở của Ban tổ chức”, Paris 2024 cho hay trong một tuyên bố. “Paris 2024 đang hợp tác toàn diện với các nhà điều tra để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra của họ”.
Ban tổ chức Paris 2024 không cho biết thêm chi tiết và cũng không bình luận gì thêm sau tuyên bố của các công tố viên.
Thế vận hội Paris 2024, mà Chủ tịch ban tổ chức Tony Estanguet đã tuyên bố sẽ “không thể chê vào đâu được”, sẽ được diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8 với Thế vận hội Paralympic diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 6/9.
Các cuộc lục soát được tiến hành trùng thời điểm bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày của Ban điều hành Ủy ban Olympic Quốc tế vào ngày 20/6 để thảo luận về một số vấn đề, bao gồm cả tiến độ chuẩn bị cho Thế vận hội Paris 2024.
“Chúng tôi biết cảnh sát đã lục soát trụ sở của Paris 2024 vào ngày hôm nay”, người phát ngôn của IOC nói. “Chúng tôi đã được Paris 2024 thông báo rằng họ đang hợp tác với chính quyền trong vấn đề này”.
Tổng ngân sách của Thế vận hội đã tăng lên 8,8 tỷ euro (9,62 tỷ USD) so với đánh giá ban đầu là 6,6 tỷ vào năm 2017.
Chỉ riêng cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tiêu tốn 4 tỷ euro so với ước tính ban đầu là 3,2 tỷ. Chi phí có giới hạn vì hầu hết các sự kiện sẽ được tổ chức tại các cơ sở hiện có.
Các địa điểm xây dựng chính là làng Olympic và bể bơi ở Saint Denis, ngay phía bắc Paris.
Chi phí cho an ninh, theo cơ quan kiểm toán tối cao của Pháp, sẽ lên tới ít nhất 400 triệu euro, đã không được đưa vào ngân sách tổng thể.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà tổ chức Thế vận hội trở thành đối tượng của một cuộc điều tra.
Các công tố viên Nhật Bản hồi đầu năm nay đã truy tố 6 công ty bao gồm Tập đoàn quảng cáo khổng lồ Dentsu và 7 cá nhân vì nghi ngờ gian lận trong các cuộc đấu thầu trị giá 320 triệu đô la cho Thế vận hội và Paralympic Tokyo 2020.
Các bản cáo trạng được đưa ra sau nhiều tháng điều tra về cáo buộc tham nhũng trong quá trình lập kế hoạch và tài trợ cho Thế vận hội Tokyo, được tổ chức vào năm 2021 sau khi bị hoãn do đại dịch COVID-19.
Dentsu đã đưa ra “lời xin lỗi chân thành” và cho biết họ đã thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia bên ngoài để xem xét vụ việc.
Diễn đàn