Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép’


Một biểu ngữ kêu gọi ngăn chặn tệ nạn buôn người ở Việt Nam.
Một biểu ngữ kêu gọi ngăn chặn tệ nạn buôn người ở Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam mới cho biết rằng Việt Nam “kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người” sau khi Đài Loan phát hiện thi thể một số người được cho là công dân Việt Nam bị nghi tìm cách vào Đài Loan trái phép.

Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết rằng chính phủ Việt Nam “chủ trương tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp” đồng thời “quyết liệt tăng cường triển khai công tác phòng, chống mua bán người, cũng như triển khai chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cuối tháng trước, cảnh sát Đài Loan cho biết đã tìm thấy thi thể của ít nhất 7 công dân Việt Nam trên biển kể từ tháng Hai, và đã thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra nghi án buôn người.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Đài Loan được AFP dẫn lời cho biết “sẽ làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan của Việt Nam để tiếp tục truy tìm các đường dây buôn người bất hợp pháp tại Việt Nam”.

Liên quan tới việc phát hiện các thi thể này, bà Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm tuần trước rằng theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã và đang tiếp tục “phối hợp chặt chẽ” với các cơ quan chức năng Đài Loan để “theo sát vụ việc, hỗ trợ thân nhân những người được cho là mất tích tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và xử lý các vấn đề hậu sự”.

“Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiếp tục hỗ trợ thân nhân của những người được cho mất tích tiến hành thủ tục xác minh nhân thân. Một trong các biện pháp xác minh nhân thân là thử ADN. Các cơ quan Việt Nam cũng đang giúp gia đình xử lý các vấn đề hậu sự”, nữ phát ngôn viên nói, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam. “Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để làm rõ thông tin, theo dõi vụ việc, có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp an toàn và ngăn chặn những vụ việc tương tự tái phát”.

Mới nhất, như VOA tiếng Việt đã đưa tin, lực lượng tuần duyên Đài Loan đã tìm thấy 12 công dân Việt Nam trên một tàu đánh cá ngoài khơi huyện Pingtung vào tối thứ Hai tuần trước và nghi ngờ họ có thể là nạn nhân của một hoạt động buôn người.

Trả lời VOA tiếng Việt, một người Việt Nam có tên Phong hiện đang làm việc tại Đài Loan nói rằng cuộc sống ở Đài Loan “còn hơn là ở Việt Nam” nên nhiều người phải “đánh đổi” dù là bằng cả mạng sống của mình.

Anh nói: “Sang bên này, nói chung phụ thuộc vào cái số của mình nó có cao số hay không thôi, nó có may mắn hay không thôi. Ai chả muốn đi sang bên này kiếm tiền. Người ta cứ đăng bài viết là đừng vì tiền mà đánh đổi tính mạng. Thế nhưng mà, theo em nghĩ là, nếu mà không vì tiền thì mình vì cái gì mà phải sang đây?”

Về khó khăn khi ở Đài Loan, anh Phong cho VOA tiếng Việt biết rằng cái khổ lớn nhất là phải xa gia đình, còn “đi làm thì nói chung gặp người tốt, người xấu” nhưng quyết định cuối cùng vẫn là “do mình thôi”.

Theo Phó Phát ngôn viên Phạm Thu Hằng, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự nhằm “tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế”.

Thêm nữa, bà cho biết, Việt Nam “cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) trong việc ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật đồng thời sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, ngăn chặn nguy cơ mua bán người vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG