Đường dẫn truy cập

Ukraine thúc đẩy đồng minh cung cấp F-16 sau khi Mỹ nói chưa đến lúc


Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.

Ukraine hôm thứ Hai (27/2) tiếp tục thúc đẩy các đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu cho lực lượng Ukraine bất chấp đánh giá mới nhất của Hoa Kỳ rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho họ sẽ không phù hợp vào thời điểm này.

“Mọi cuộc thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine một loại vũ khí mới, quan trọng đều bắt đầu bằng câu trả lời ‘không’ và kết thúc bằng câu trả lời ‘có’”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter. “Trong năm ngoái, chúng tôi đã thuyết phục thành công các quyết định chính trị đối với sáu trong số bảy loại vũ khí có khả năng chuyển bại thành thắng. Cái duy nhất còn lại là máy bay chiến đấu”.

Ông Kuleba ám chỉ đến sự miễn cưỡng của các đối tác trước đó trong việc gửi cho Ukraine xe tăng và các viện trợ quân sự khác nhưng cuối cùng đã quyết định cung cấp.

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News về vấn đề cung cấp F-16 cho Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Sáu nói ông “hiện đang loại trừ khả năng đó”.

“Giai đoạn này là về chiến đấu trên bộ và khả năng có các công cụ trong tay của người Ukraine để lấy lại lãnh thổ mà người Nga đang chiếm đóng”, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói trong buổi phỏng vấn.

Ông cũng cho biết các đồng minh đang cung cấp cho Ukraine phụ tùng thay thế cho các máy bay chiến đấu MiG-29 và SU-27 từ thời Liên Xô mà các phi công Ukraine sử dụng hàng ngày.

NATO mở rộng

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm thứ Hai cho biết các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về nỗ lực gia nhập NATO của họ sẽ được nối lại vào tháng tới.

Ông Cavusoglu nói trong một cuộc họp báo rằng cuộc họp được ấn định vào ngày 9/3.

Vào tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng các cuộc đàm phán để đối phó những người biểu tình cực hữu đã đốt một cuốn Kinh Qur'an bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm.

Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO để phản ứng cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào năm ngoái. Tất cả các thành viên hiện tại của NATO sẽ phải phê duyệt hồ sơ xin gia nhập của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự phản đối đối với Thụy Điển, cáo buộc chính phủ nước này quá khoan dung đối với các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.

Ông Cavusoglu hôm thứ Hai nói rằng Thụy Điển đã không tuân thủ thỏa thuận hồi tháng 6, trong đó Thụy Điển và Phần Lan cam kết dỡ bỏ các hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường làm theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ các chiến binh bị tình nghi.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này nói rằng “đã đến lúc” phê chuẩn cả Thụy Điển và Phần Lan làm thành viên mới của NATO. Hiện chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là vẫn chưa chấp thuận.

Ông Stoltenberg lưu ý “những lo ngại về an ninh chính đáng” của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nói rằng Thụy Điển và Phần Lan “đều đã có những bước tiến lớn” hướng tới việc thực hiện các cam kết của họ theo thỏa thuận đạt được ở Madrid năm ngoái.

Người đứng đầu NATO sẽ thăm Phần Lan vào thứ Ba.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG