Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo khu vực phía đông của NATO hôm thứ Tư (22/2) để bày tỏ sự ủng hộ đối với an ninh của họ sau khi Moscow đình chỉ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt, mà ông gọi là một “sai lầm lớn”.
Ông Biden đến thủ đô Warsaw của Ba Lan vào cuối ngày thứ Hai sau chuyến thăm bất ngờ tới Kiev chỉ vài ngày trước một năm ngày kỷ niệm Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.
Giữa bối cảnh căng thẳng tăng cao nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh hơn ba thập niên trước, ông Biden đã phát biểu trước hàng ngàn người ở trung tâm thành phố Warsaw hôm thứ Ba và nói rằng những kẻ chuyên quyền” như Tổng thống Nga Vladimir Putin phải bị phản đối.
Vài giờ trước đó, ông Putin đã đưa ra những nhận xét dài chỉ trích các cường quốc phương Tây, đổ lỗi cho họ về cuộc chiến ở Ukraine. Ông Biden nói phương Tây không bao giờ có âm mưu tấn công Nga và cuộc xâm lược là sự lựa chọn của ông Putin.
Ông Putin cũng rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới - một thỏa thuận năm 2010 giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai của Nga và Mỹ - và cảnh báo rằng Moscow có thể nối lại các vụ thử hạt nhân.
“Đó là một sai lầm lớn”, ông Biden nói về quyết định của ông Putin khi ông bước vào cuộc họp với các đồng minh Đông Âu.
Trước đó vào thứ Tư, ông Biden đã gặp các nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Warsaw trước khi gặp gỡ các lãnh đạo của nhóm “Bucharest Nine”, các quốc gia ở sườn phía đông của NATO như Ba Lan, Bulgaria và Litva, các quốc gia đã gia nhập liên minh quân sự phương Tây sau khi bị Moscow thống trị trong Chiến tranh Lạnh.
Hầu hết đều nằm trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine, và các quan chức từ các quốc gia trong nhóm đã kêu gọi các nguồn lực bổ sung như các hệ thống phòng không.
Khi khai mạc cuộc họp, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh của họ.
“Là sườn phía đông của NATO, các bạn là tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ tập thể của chúng ta”, ông Biden nói.
“Bạn biết rõ hơn ai hết điều gì đang bị đe dọa trong cuộc xung đột này. Không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với tự do của các nền dân chủ trên khắp châu Âu và trên toàn thế giới”.
Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ thảo luận về việc hỗ trợ cho Ukraine trước khi trở về Washington.
Điện Kremlin nói họ coi NATO, tổ chức có thể sớm mở rộng khi kết nạp thêm Thụy Điển và Phần Lan, là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.
Tổng thống Litva Gitanas Nausea nói ông muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào châu Âu, sườn phía đông của NATO và gửi nhiều vũ khí hơn tới Ukraine.
Tuy nhiên, không phải tất cả thành viên nhóm “Bucharest Nine” đều sẵn sàng hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt là Hungary, quốc gia đã phản đối một số biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, và cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này là thành viên NATO duy nhất vẫn còn chờ phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.
Diễn đàn