Đường dẫn truy cập

Trung Quốc, Nhật Bản đối đầu tại cuộc đối thoại an ninh đầu tiên sau 4 năm


Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shigeo Yamada (thứ hai từ phải sang) thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (thứ hai từ trái sang) trong cuộc đối thoại an ninh Nhật-Trung vào ngày 22/2/2023, ở Tokyo, Nhật Bản.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shigeo Yamada (thứ hai từ phải sang) thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (thứ hai từ trái sang) trong cuộc đối thoại an ninh Nhật-Trung vào ngày 22/2/2023, ở Tokyo, Nhật Bản.

Trong cuộc đàm phán an ninh chính thức đầu tiên của hai cường quốc châu Á sau bốn năm hôm 22/2, Trung Quốc nói họ quan ngại về việc Nhật Bản tăng cường quân sự, còn Tokyo thì lo ngại về mối quan hệ quân sự của Bắc Kinh với Nga và việc Trung Quốc bị nghi ngờ sử dụng khinh khí cầu do thám.

Các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, diễn ra khi Tokyo lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để chiếm Đài Loan sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, gây ra một cuộc xung đột có thể lôi kéo Nhật Bản và phá vỡ thương mại toàn cầu.

Nhật Bản hồi tháng 12 cho biết họ sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới lên 2% tổng sản phẩm quốc nội, tổng cộng là 320 tỷ USD, để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng hành động quân sự.

Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 7,1% vào năm ngoái và chi tiêu cho quân đội nhiều gấp bốn lần so với Nhật Bản.

Tokyo có kế hoạch mua các tên lửa tầm xa hơn có thể bắn tới Trung Quốc đại lục và tích trữ các loại vũ khí khác mà nước này cần để chống đỡ một cuộc xung đột cùng với số lượng lớn binh sĩ Mỹ trú đóng tại đây.

“Tình hình an ninh quốc tế đã trải qua những thay đổi lớn và chúng ta đang chứng kiến sự quay trở lại của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và tâm lý Chiến tranh Lạn”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp tại Tokyo với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shigeo Yamada.

Rời Bộ Ngoại giao Nhật Bản sau cuộc họp, ông Tôn cho biết họ cũng đã thảo luận về việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị tàn phá ra Thái Bình Dương và về việc “bỏ ngăn chặn” chuỗi cung ứng công nghiệp, nhưng ông không cho biết chi tiết.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu và gần 1/4 kim ngạch nhập khẩu của nước này. Trung Quốc cũng là cơ sở sản xuất chính cho các công ty Nhật Bản.

“Mặc dù quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng, nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và mối quan tâm”, ông Yamada nói với ông Tôn.

Ông nêu ra vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đối với các đảo không có người ở Biển Hoa Đông, được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc, các cuộc tập trận quân sự chung gần đây của Bắc Kinh với Moscow và các khinh khí cầu bị nghi ngờ do thám của Trung Quốc đã bị phát hiện ở Nhật Bản ít nhất ba lần kể từ năm 2019.

Sau vụ Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, Nhật Bản tuần trước cho biết họ có kế hoạch làm rõ các quy tắc can thiệp quân sự để cho phép các máy bay chiến đấu bắn hạ máy bay không người lái vi phạm không phận.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Hai nước đã đồng ý cố gắng thiết lập một đường dây nóng liên lạc trực tiếp “vào khoảng mùa xuân” và tăng cường đối thoại giữa các quan chức an ninh cấp cao của họ.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG