Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai (30/1) kêu gọi Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với lý do các nước khác đã thay đổi chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước xung đột sau cuộc xâm lược của Nga.
Ông Stoltenberg đang ở Seoul, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du bao gồm cả Nhật Bản và nhằm mục đích tăng cường quan hệ với các đồng minh của Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và sự cạnh tranh gia tăng với Trung Quốc.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey ở Seoul, ông cảm ơn Hàn Quốc vì những viện trợ phi sát thương cho Ukraine, nhưng kêu gọi nước này làm nhiều hơn nữa, đồng thời nói thêm rằng có một “nhu cầu cấp bách” về đạn dược. Nga gọi cuộc xâm lược là một “chiến dịch đặc biệt”.
“Tôi kêu gọi Hàn Quốc tiếp tục và đẩy mạnh vấn đề cụ thể về hỗ trợ quân sự”, ông nói. “Cuối cùng thì đây là quyết định của quý vị, nhưng tôi có thể nói rằng một số đồng minh NATO từng có chính sách không bao giờ xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia đang xảy ra xung đột giờ đã thay đổi chính sách đó”.
Trong các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, ông Stoltenberg lập luận rằng những sự kiện ở châu Âu và Bắc Mỹ có mối liên hệ với các khu vực khác và liên minh muốn giúp quản lý các mối đe dọa toàn cầu bằng cách tăng cường quan hệ đối tác ở châu Á.
Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận lớn cung cấp hàng trăm xe tăng, máy bay và các loại vũ khí khác cho Ba Lan, thành viên NATO, kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nhưng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng luật của nước ông chống lại việc cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột. Điều này khiến cho việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trở nên khó khăn.
Ông Stoltenberg lưu ý rằng các quốc gia như Đức, Thụy Điển và Na Uy có chính sách tương tự nhưng đã thay đổi chúng.
“Nếu chúng ta không muốn chế độ độc tài và chuyên chế chiến thắng, thì họ cần vũ khí. Đó là thực tế”, ông nói khi đề cập đến Ukraine.
Người đứng đầu NATO cho rằng điều “cực kỳ quan trọng” là Nga không được thắng trong cuộc chiến này, không chỉ đối với người Ukraine mà còn để tránh gửi thông điệp sai trái tới các nhà lãnh đạo độc đoán, bao gồm cả ở Bắc Kinh, rằng họ có thể đạt được những gì họ muốn bằng vũ lực.
Ông Stoltenberg nói mặc dù Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO, nhưng nước này đã trở nên “quan trọng hơn nhiều” trong chương trình nghị sự của NATO, viện dẫn khả năng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh và hành vi cưỡng chế trong khu vực.
Trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước đưa ra hôm thứ Hai, Triều Tiên gọi chuyến thăm của ông Stoltenberg là “khúc dạo đầu cho sự đối đầu và chiến tranh vì nó mang đến những đám mây đen của ‘Chiến tranh Lạnh mới’ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Năm ngoái, Hàn Quốc đã mở phái bộ ngoại giao đầu tiên tại NATO, cam kết tăng cường hợp tác về không phổ biến vũ khí hạt nhân, phòng thủ mạng, chống khủng bố, ứng phó thảm họa và các lĩnh vực an ninh khác.
Chuyến thăm của người đứng đầu NATO cũng diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin dự kiến đến Seoul vào thứ Hai để hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-Sup.
Diễn đàn