Việt Nam có nguy cơ không thực hiện được đúng thời hạn tự đặt ra là đến năm 2025 sẽ hoàn thành các cải cách giúp nâng cấp thị trường chứng khoán của đất nước thành thị trường của nền kinh tế mới nổi và thu hút được hàng tỷ đô la tiền đầu tư, ba quan chức nói với Reuters.
Bản tin độc quyền của Reuters dẫn lời ba quan chức này cho biết rằng xảy ra sự chậm trễ đó là do đấu đá nội bộ giữa các cơ quan nhà nước về những cải cách quan trọng, bao gồm vấn đề thanh toán và quyền sở hữu của người nước ngoài đối với các công ty, vì cuộc cải cách sẽ làm cho các cơ quan liên quan phải gách vác thêm các nhiệm vụ giám sát ở một quốc gia thường e ngại về các rủi ro.
Thị trường chứng khoán chính của Việt Nam, tức Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, VNI, là thị trường có quy mô nhỏ nhất trong số các nền kinh tế chính của Đông Nam Á, với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 180 tỷ đô la, chưa bằng một nửa so với Malaysia. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những nơi có kết quả tồi tệ nhất thế giới vào năm ngoái, với mức giảm hơn 30% chủ yếu là do tình trạng biến động mạnh trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy là một nền kinh tế mở phụ thuộc vào đầu tư công nghiệp của nước ngoài và có tổng xuất khẩu cao bằng tổng sản phẩm quốc nội, song Việt Nam lâu nay vẫn dè dặt chưa mở rộng cửa của thị trường chứng khoán bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, các nhà quản lý quỹ chỉ số chứng khoán hàng đầu phân loại Việt Nam là thị trường cận biên, đứng chung hàng với các nền kinh tế kém phát triển hơn nhiều như Benin hoặc Burkina Faso.
Chính phủ Việt Nam hồi tháng 7/2022 đã cam kết với mục tiêu nâng cấp ít nhất một chỉ số chính của đất nước thành thị trường mới nổi vào năm 2025.
Nhưng đấu đá nội bộ đang làm trì hoãn những cải cách thị trường rất cần thiết, ba quan chức nắm về các cuộc thảo luận cho biết. Cả ba người đều từ chối nêu tên vì các cuộc đàm phán này có tính chất nội bộ.
Một nguồn tin trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận và một nguồn tin khác thuộc chính phủ Việt Nam cho biết có thể sẽ bị chậm ít nhất một năm trừ khi các bên đạt được tiến bộ đáng kể trong thời gian ngắn.
Nguồn tin thứ ba cho biết việc nâng cấp thị trường có thể bị hoãn lại đến cuối thập kỷ này.
Bộ tài chính Việt Nam không hồi đáp khi Reuters đề nghị họ bình luận.
Hai nhà nghiên cứu Burcu Hacibedel và Jos van Bommel đã đánh giá tác động của việc thị trường chứng khoán ở 24 quốc gia được các quỹ chỉ số đưa vào danh mục đầu tư. Họ cho rằng việc nâng cấp thị trường có thể làm tăng giá cổ phiếu lên tới 3%. Đối với Việt Nam, điều đó có thể đồng nghĩa với dòng tiền khoảng 5 tỷ đô la đổ vào.
Các ước tính nội bộ khác, được một trong ba nguồn tin chia sẻ với Reuters, cũng chỉ ra khoản tiền thu được ban đầu là từ 5 tỷ đến 8 tỷ đô la, ngay cả khi chỉ có một số cổ phiếu đủ điều kiện được đưa vào danh mục đầu tư, nhờ dòng vốn thụ động.
Công ty quản lý quỹ chỉ số FTSE Russell và nhà cung cấp quỹ chỉ số MSCI gần đây công khai nói rằng yêu cầu của Việt Nam về ứng tiền thanh toán trước và giới hạn nghiêm ngặt đối với quyền sở hữu cổ phần của người nước ngoài là hai trong số những rào cản chính đối với việc nâng hạng thành thị trường mới nổi.
(Reuters)
Diễn đàn