Công an thành phố Hồ Chí Minh họp báo cho biết hôm 11/1 họ khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về hành vi “nhận hối lộ”. Ông Hà bị cáo buộc đã nhận tiền đều đặn từ các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh, thành phố.
Tuy không nêu rõ ông Hà nhận số tiền cụ thể là bao nhiêu, song một vị đại diện của công an thành phố nói với báo giới rằng để thành lập trung tâm đăng kiểm, nhiều người đã chung chi hàng trăm triệu đồng cho các phòng ban, cục trưởng Cục Đăng kiểm để cấp giấy phép.
“Hàng tháng, hàng quý, các trung tâm đăng kiểm đều chi tiền cho cán bộ phòng đăng kiểm, các lãnh đạo phòng, ban và ông Đặng Việt Hà”, thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tp.HCM, cho biết.
Viên thiếu tá nói thêm rằng sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm là “có hệ thống, xuyên suốt, trong thời gian dài liên quan các nhân viên, ban giám đốc các trung tâm đăng kiểm và đặc biệt là Cục trưởng Cục đăng kiểm”.
Theo quan sát của VOA, đây là diễn biến mới nhất trong cuộc điều tra của nhà chức trách Việt Nam về hoạt động của ngành đăng kiểm, với một loạt các vụ khám xét, bắt bớ trong khoảng 2 tháng gần đây. Cục Đăng kiểm là cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông-Vận tải.
Riêng ở miền nam, công an đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, bao gồm 5 đơn vị tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng; và 8 trung tâm ở Tp.HCM, theo tìm hiểu của VOA.
Đến nay, 84 người bị bắt tạm giam về các tội “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “giả mạo trong công tác”. Chiếm đại đa số trong các bị can là 80 người nắm vị trí giám đốc, phó giám đốc, nhân viên ở các trung tâm đăng kiểm và những người môi giới.
Một bài báo của Zing News cho biết vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm được công an Tp.HCM phát hiện từ tháng 10 năm ngoái khi cảnh sát giao thông của thành phố kiểm tra một xe tải trên đường.
Họ nhận thấy kích thước thành thùng xe không khớp với thông số kỹ thuật trên giấy kiểm định do một trung tâm kiểm định cấp, làm dấy lên nghi ngờ. Sau đó, công an đã lấy lời khai của tài xế và chủ xe, rồi điều tra về các sai phạm.
Một bài tường thuật của VNExpress cho biết rằng trên bình diện cả nước, công an trong hơn 1 tháng qua đã điều tra về các sai phạm, tiêu cực tại nhiều trung tâm kiểm định xe cơ giới. Hiện cả nước có 29 trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động để phục vụ cho cuộc điều tra.
Thông tin ban đầu về cuộc điều tra cho hay các trung tâm đã nhận hối lộ để bỏ qua lỗi vi phạm trên nhiều xe, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải, v.v...
Nhà chức trách Việt Nam ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách "làm luật" như vậy, theo bài báo của VNExpress, và cho rằng các trung tâm kiểm định có vi phạm cũng đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Báo mạng này nói thêm rằng một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Diễn đàn