Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm 8/12 với nghi lễ hoành tráng, báo hiệu rằng Riyadh coi trọng việc thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh bất chấp thái độ cảnh giác của Hoa Kỳ. Về phần mình, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói đến "một kỷ nguyên mới" trong quan hệ với Ả rập Xê út.
Thực tế này hoàn toàn trái ngược với sự đón tiếp khá lạnh nhạt hồi tháng 7 dành cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Quan hệ giữa ông Biden với nhà lãnh đạo trên thực tế của Ả rập Xê út trở nên căng thẳng bởi chính sách năng lượng của đất nước vùng Vịnh và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018 đã phủ bóng đen lên chuyến thăm khó xử.
Hoa Kỳ theo dõi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc với thái độ cảnh giác trong khi mối quan hệ của Washington với Riyadh rơi xuống mức thấp nhất. Hôm 8/12, Hoa Kỳ đưa ra nhận xét rằng chuyến thăm cuả ông Tập cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng trên toàn thế giới và sẽ không thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Đông.
Trong một bài viết đăng trên truyền thông Ả rập Xê út, ông Tập cho biết ông đang thực hiện một "chuyến đi tiên phong" để "mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới Ả rập, các quốc gia Ả rập vùng Vịnh và Ả rập Xê út".
Ông viết: Trung Quốc và các nước Ả rập sẽ "tiếp tục giương cao ngọn cờ không can thiệp vào công việc nội bộ, ủng hộ lẫn nhau một cách vững chắc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Ông Tập Cận Bình, có lịch gặp gỡ các nhà sản xuất dầu khác ở vùng Vịnh và tham dự một cuộc họp mặt rộng rãi hơn với các nhà lãnh đạo Ả rập vào ngày 9/12, nói rằng các quốc gia này là một "kho năng lượng cho nền kinh tế thế giới ... và là mảnh đất màu mỡ để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao”.
Ả rập Xê út và các quốc gia vùng Vịnh khác như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất từng nói rằng họ sẽ không chọn phe giữa các cường quốc toàn cầu và đang đa dạng hóa các đối tác để phục vụ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, là đối tác thương mại lớn của các quốc gia vùng Vịnh và quan hệ song phương đã mở rộng khi khu vực này thúc đẩy việc đa dạng hóa kinh tế, làm dấy lên những chỉ trích của Hoa Kỳ về sự tham gia của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở vùng Vịnh.
Bộ trưởng năng lượng Ả rập Xê út hôm 7/12 cho biết Riyadh sẽ vẫn là đối tác năng lượng "có uy tín, đáng tin cậy" của Bắc Kinh và hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng năng lượng bằng cách thành lập một trung tâm khu vực tại vương quốc vùng Vịnh dành cho các nhà máy Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc và Ả rập Xê út cũng đã ký 34 thỏa thuận đầu tư vào năng lượng xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ điện toán đám mây, vận tải, xây dựng và các lĩnh vực khác, hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin. Hãng tin không đưa ra con số, nhưng trước đó đã nói rằng hai nước sẽ ký kết các thỏa thuận ban đầu trị giá 30 tỷ đô la.
(Reuters)
Diễn đàn