Chính quyền ở Phú Yên liên tục sách nhiễu một thầy truyền đạo của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, thậm chí còn phạt tiền, đe dọa trong 3 tháng qua và tịch thu xe máy của tín đồ này kể từ khi ông bị nhân viên an ninh chặn cuộc tiếp xúc với các quan chức từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Nay Y Blang, một người Thượng theo đạo Tin lành ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nói với VOA chính quyền địa phương đã nhiều lần đến nhà ông yêu cầu nộp phạt số tiền 4 triệu đồng do “lôi kéo, tụ tập đông người” tại tư gia khi họ nhóm họp để thực hành đức tin của mình.
Ông Blang cho biết việc sách nhiễu này đã gia tăng đến mức bị canh giữ “mọi lúc, mọi nơi” sau khi ông gặp gỡ viên chức ngoại giao ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8. Ông có lịch hẹn gặp với phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 9, nhưng cuộc hẹn thứ hai này bất thành do chính quyền Phú Yên đã câu lưu ông khi ông đến bến xe Phú Lâm ở thành phố Tuy Hòa.
Gần đây nhất, vào ngày 22/11, chính quyền lại kéo đến khám xét nhà ông và yêu cầu nộp phạt, nhưng ông nói ông không có tiền và không đồng ý nộp phạt, nên họ đã tịch thu chiếc xe máy trị giá 28 triệu đồng của ông.
“Số tiền phạt này là do nhà nước không chấp nhận Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và do [tôi] hẹn gặp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Nhà nước không chấp nhận, nói rằng chúng tôi ‘lợi dụng tôn giáo’”, ông Blang nói với VOA.
“Họ hỏi vì sao gặp [đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ], tôi nói: ‘Do nhà nước không cho tự do sinh hoạt’ nên tôi muốn gặp để đòi hỏi nhà nước cho tự do hơn”.
Khi được hỏi chính quyền có lập biên bản tịch thu xe máy không, ông nói họ chỉ đọc lệnh khám xét nhà, tịch thu xe nhưng không để lại biên bản.
VOA đã liên lạc chính quyền các cấp ở Phú Yên và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về vụ cưỡng chế tịch thu tài sản và cáo buộc sách nhiễu đối với ông Nay Y Blang, nhưng chưa được phản hồi.
Một đoạn video mà VOA được xem cho thấy các lực lượng công an, có cả những người mang cảnh phục và thường phục, cùng nhiều phương tiện cơ giới của chính quyền được huy động khi thi hành lệnh cưỡng chế tại hộ gia đình ông Blang.
Luật pháp Việt Nam quy định rằng trong những trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành thì có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tịch thu tài sản là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng tại đất nước này.
Trao đổi với VOA qua email hôm 28/11, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sẽ “tìm hiểu sự việc” và sẽ phản hồi sau.
Hàng năm trong báo cáo về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều lưu ý về việc chính quyền sách nhiễu các tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên.
Vào tháng 7, các tín đồ tại xã Ea Lâm cũng bị chính quyền “phá rối”, “sách nhiễu”, tịch thu lịch và thậm chí họ còn “hăm dọa”, và sau đó mời ít nhất ba thành viên của hội thánh, bao gồm cả ông Blang, lên trụ sở công an xã “làm việc”.
Trao đổi với VOA từ bang North Carolina, Hoa Kỳ, mục sư A Ga thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, nói:
“Các anh em bị bắt bớ sách nhiễu là do mục đích của chính quyền muốn giải tán Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên này. Họ luôn cho rằng Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức phản động, chống lại chính quyền nhà nước Việt Nam. Cũng vì lý do đó, mà họ luôn luôn bị ngăn cản và tìm cách giải tán”.
Không riêng gì ở Phú Yên, các tín đồ của hội thánh ở Đăk Lăk trước đó cũng bị chính quyền mang loa phóng thanh đến một điểm nhóm và yêu cầu giải tán, Mục sư A Ga cho biết thêm.
Vào tháng 7/2020, Truyền hình An ninh, một kênh thông tin của Bộ Công an, đã phát phóng sự cáo buộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ đang hoạt động chống chính quyền Việt Nam với sự tài trợ từ nước ngoài. Chính quyền cho biết hội thánh đang có khoảng 27 điểm sinh hoạt ở 5 tỉnh thành gồm Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và Trà Vinh, trong khi Phú Yên được xem là địa bàn mới của nhóm tôn giáo này.
Hôm 17/11, trả lời đề nghị bình luận của VOA về việc một số tín đồ Tin lành ở Tây Nguyên bị cấm xuất cảnh khi họ tham dự hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Việt Nam không xác nhận cũng không phủ nhận sự việc này, nhưng nói rằng: “Các tín đồ và tổ chức Tin Lành được tạo điều kiện tích cực tham gia vào đời sống chính trị - xã hội; khởi xướng, tổ chức các hoạt động xã hội như từ thiện, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, xây dựng cầu đường nông thôn, hỗ trợ giáo dục…”
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.
Diễn đàn