Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo của Việt Nam Nguyễn Kim Sơn mới đây cho rằng các nhà giáo có trọng trách lớn là “người dẫn đường”, đồng nghĩa là họ có sứ mệnh “tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại”.
Ông Sơn phát biểu như vậy trong cuộc gặp với 400 nhà giáo tiêu biểu trên cả nước vào chiều ngày 18/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Giáo sư Mạc Văn Trang, một cựu nhà giáo và từng làm việc trong hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi nghỉ hưu vào năm 2002, nhận xét với VOA rằng ý kiến kể trên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nội dung “hay, tiến bộ, đáng mừng”, song chỉ mang tính hô hào:
“Những điều ông bộ trưởng nói là những khẩu hiệu, những mong muốn rất tốt đẹp nhưng trong thực tế không thực hiện được, bởi cái bản chất của chế độ, của cơ chế này không cho người giáo viên tự do hành nghề, tự do sáng tạo, được độc lập để truyền bá kiến thức, dẫn dắt học sinh, để phát triển tư duy, sáng tạo của học sinh”.
Theo giáo sư Trang, 84 tuổi, ở thời ông làm giáo viên cách đây 50 năm, nghề giáo được xem là nghề của sự tự do, tự giác, nhà giáo được thể hiện quan điểm, tri thức của mình để truyền bá cho học sinh. Vào thời đó, mỗi dịp nghỉ hè, các nhà giáo cũng được nghỉ ngơi nhiều.
Nhưng nhiều năm gần đây, hai điều này dần dần mất đi, giáo sư Trang đưa ra quan sát. Vào kỳ nghỉ hè, các giáo viên phải “học tập, bồi dưỡng”, bên cạnh đó, quyền tự do sáng tạo của giáo viên bị “khống chế”, thậm chí bị bắt dạy theo giáo án mẫu, chưa kể đến phải tuân theo 15-20 chỉ tiêu thi đua, ông Trang nói.
Sự khống chế đến trực tiếp từ các hiệu trưởng, giáo sư Trang cho biết, căn cứ vào những điều mà nhiều giáo viên chia sẻ với ông. Hiệu trưởng không do bộ trưởng giáo dục hay sở giáo dục đề cử, mà do ủy ban nhân dân hay phòng giáo dục địa phương đề cử, nên có những vị hiệu trưởng không am hiểu về quản lý giáo dục, thậm chí là người trái ngành nghề hoặc không có uy tín, ông Trang nhận xét, và nói thêm:
“Tôi nhận được nhiều thư của giáo viên, họ nói về hiệu trưởng không ra gì cả. Hiệu trưởng có bộ phận tay chân để khống chế giáo viên. Có giáo viên nói về lạm thu trên Facebook thì bị hiệu trưởng khiển trách, có nơi thì nói mọi thông tin của nhà trường thuộc bí mật quốc gia, cấm giáo viên để lộ ra ngoài. Hiệu trưởng cứ như là đại ca của một đám mafia như vậy”.
Trong những năm qua, như VOA đã đưa tin, Việt Nam đã bỏ tù một số nhà giáo và nhiều người thể hiện rằng họ mong muốn là người dẫn đường, có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, như các ông, bà Nguyễn Năng Tĩnh, Bùi Văn Thuận, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, v.v…
Việc chính quyền Việt Nam lâu nay thực thi luật do họ soạn ra về hoạt động chống nhà nước và tuyên truyền chống nhà nước để bỏ tù những người bị xem là gây ra nguy hiểm cho chế độ là một thực tế “phải chấp nhận thôi”, giáo sư Trang nói với VOA.
Điều này là một nguyên nhân sâu xa làm cho các nhà giáo “phải tự kiểm duyệt” trong giảng dạy, dẫn dắt học sinh, giáo sư Trang đưa ra quan sát:
“Cũng chính vì cái đó, giáo viên người ta rất sợ. Họ nói theo giáo án, theo sách giáo khoa, không dám dạy cái gì bên ngoài nhạy cảm. Dạy lịch sử mà động đến vấn đề Trung Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa thì sợ. Hay là chiến tranh ở Ukraine, lẽ ra giáo viên người ta dạy các giá trị phổ quát của nhân loại, phải nói rằng Nga đi xâm lược là sai, phi nghĩa; Ukraine là nước bị xâm lược, phải đấu tranh để bảo vệ độc lập tự do, giống như Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Trung Quốc là chính nghĩa, phải ủng hộ Ukraine chứ. Thế nhưng giáo viên không được nói điều đó”.
Giáo sư Trang cho rằng giới giáo viên “rất là khổ” khi “họ không còn tự do gì cả” cũng như “bị thụ động, sợ hãi, không dám nói gì ngoài sách giáo khoa, ngoài giáo án mẫu”.
Tình trạng phải tự kiểm duyệt, phải tự hạn chế này là “vấn đề rất lớn của thể chế, thuộc về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, chứ không phải chỉ là vấn đề riêng của giáo viên”, ông Trang nói với VOA.
Diễn đàn