Người dân ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác tiếp tục phải chịu cảnh không mua được xăng, dầu hoặc chỉ mua được với hạn mức ít ỏi trong khoảng 1 tuần nay, sau khi tình trang khan hiếm nhiên liệu bắt đầu xảy ra cách đây gần 1 tháng.
Thông tin do người dân phản ánh trên mạng xã hội và cũng được tường thuật trên báo chí Việt Nam cho thấy ở thời điểm ngày 2/11, người Hà Nội phải xếp hàng nhiều giờ để chờ đổ xăng; tại Tp.HCM, nhiều trạm xăng đóng cửa, người dân cảm thấy “may mắn” khi tìm được nơi để xếp hàng mua xăng; trong khi đó, một loạt các tỉnh miền nam và Tây Nguyên cũng “khan hiếm” mặt hàng này.
Ở Hà Nội, nhiều người cho biết tình trạng các trạm xăng ngừng bán hoặc hoạt động cầm chừng là khá phổ biến, nên họ phải đi lòng vòng 3-4 tiếng mới tìm được nơi có bán. Nhưng tại đó, số người chờ rất đông, họ phải xếp hàng “chờ đợi mòn mỏi” từ 1-1 tiếng rưỡi mới đến lượt mua.
“Cả tháng nay, bỏ tiền ra đi mua xăng mà cực quá” là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiếu ở Tp.HCM nói với báo Thanh Niên. Ở thành phố lớn nhất Việt Nam và được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, người dân cũng phải xếp hàng “rồng rắn” chờ rất lâu. Không ít trạm xăng chỉ bán theo định mức chứ không theo nhu cầu của người mua, thường là 30.000 đồng đối với xe máy và 200.000 đồng mỗi ô tô.
Một số tờ báo, trong đó có Tuổi Trẻ và Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, tường thuật rằng bên cạnh hai thành phố lớn, một loạt các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… và vùng Tây Nguyên cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng thiếu nhiên liệu, gây bức xúc cho người dân, đồng thời làm dấy lên nỗi lo về an ninh năng lượng “bấp bênh” của đất nước và đặt ra câu hỏi “ai phải chịu trách nhiệm”.
Giữa lúc nhiều người dân cảm thán rằng không biết đến lúc nào “cơn khát xăng, dầu” ở nhiều nơi trên cả nước mới chấm dứt, một đại biểu quốc hội khẳng định rằng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm chính và cần thay đổi cơ chế quản lý việc phân phối xăng, dầu.
Các bản tin của Lao Động và Tuổi Trẻ hôm 2/11 trích lời đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do “mức chiết khấu xuống quá thấp, chi phí kinh doanh không được điều chỉnh kịp thời, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ” nên họ “buộc phải nghỉ bán”.
Ông Cường chỉ ra rằng Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng, dầu - chưa phối hợp tốt với Bộ Tài chính - cơ quản lý về giá, chi phí. Đồng thời ông chất vấn vì sao các nước khác không có tình trạng này, trong khi Việt Nam lại bị như vậy, dù là đất nước tự sản xuất được xăng dầu với hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần.
Vị đại biểu này đề nghị để ngành xăng, dầu vận hành theo thị trường hoàn toàn, đa dạng hóa tổ chức kinh doanh phân phối xăng, dầu, không nên tập trung quá.
Ông Cường và một đại biểu quốc hội khác, ông Trần Văn Lâm, nói với báo chí rằng họ ủng hộ đề xuất của bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao lại quản lý giá xăng, dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương, xem đó là điều hợp lý.
Theo quan sát của VOA, bên cạnh nhiều lời chỉ trích của dư luận đối với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong gần một tháng nay, gần đây cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi ông Diên từ chức do không bảo đảm nguồn cung loại nhiên liệu thiết yếu cho đất nước.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ trưởng Diên để tìm hiểu xem ông có lý giải gì và quan điểm ra sao về vấn đề này, song không nhận được hồi đáp.
Diễn đàn