Đường dẫn truy cập

Bộ Công thương: Nguồn cung xăng dầu sẽ rất căng thẳng; Thủ tướng: Cần khắc phục nhanh


Một cây xăng ở Tp.HCM đông nghịt người mua hôm 11/10/2022.
Một cây xăng ở Tp.HCM đông nghịt người mua hôm 11/10/2022.

Một thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cảnh báo nguồn cung xăng dầu trong thời gian còn lại của năm nay sẽ vẫn “rất cẳng thẳng, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành liên quan “cần nhanh chóng khắc phục”.

Báo Thanh Niên hôm 13/10 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói trong một cuộc họp báo vào ngày 12/10 rằng “nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay đảm bảo được 70-80%, nhưng 20-30% phải nhập khẩu” và ông dự báo là “nguồn cung từ nước ngoài từ nay đến cuối năm vẫn rất căng thẳng”.

Phát biểu của Thứ trưởng Hải được đưa ra trong bối cảnh đã xảy ra tình trạng người dân khó mua được xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là ở miền nam trong vài ngày gần đây.

Như VOA đã đưa tin, nhiều đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, từ khoảng ngày 10/10 bắt đầu tạm dừng bán lẻ xăng dầu với lý do “hết hàng”, khiến người dân phải xếp hàng dài trong “bất bình”, “mệt mỏi”, thậm chí “hỗn loạn” để mua nhiên liệu ở những nơi còn bán.

Lý giải về tình trạng thiếu hàng, tại cuộc họp báo của Bộ Công thương hôm 12/10, được Thanh Niên và Người Lao Động tường thuật lại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nêu ra nguyên nhân sâu xa là từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động ảnh hưởng đến nguồn cung.

Về nguyên nhân trực tiếp hơn, Thứ trưởng Hải cho biết trong quý 2/2022, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc nên Bộ Công thương yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối tăng nhập khẩu. Khi đó, các doanh nghiệp này nhập xăng dầu với giá rất cao. Tuy nhiên, sau ít lâu, giá liên tục giảm dẫn đến họ bị thua lỗ, buộc phải cắt giảm chiết khấu cho các đại lý bán lẻ trong nước, làm các nhà bán lẻ cũng thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Vụ trưởng Đông cho biết thêm rằng một số doanh nghiệp bị siết tín dụng và tỷ giá đôla Mỹ-đồng Việt Nam tăng nên họ không đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng lớn như trước. Bên cạnh đó, ở miền nam, một số doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu cũng dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ.

Vẫn ông Đông cho hay rằng trong cùng ngày 12/10, Bộ Công Thương đã họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối để bàn giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Thứ trưởng Hải nói với báo giới rằng giải pháp quan trọng lúc này là cho doanh nghiệp được “tăng chi phí vận chuyển” và Bộ Công thương sẽ kiến nghị với chính phủ để “tiếp tục điều chỉnh chi phí tăng lên” nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Đưa ra chỉ đạo về tình hình cung ứng xăng dầu, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói đây là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, và nhấn mạnh rằng các cơ quan liên quan “cần nhanh chóng khắc phục”, theo một bài đăng hôm 13/10 trên trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam.

Trang Thông tin Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính đồng ý rằng vấn đề gián đoạn cung ứng xăng dầu có nguyên nhân khách quan gắn với biến động giá xăng dầu trên thế giới, song ông Chính cho rằng “nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, đồng thời phê bình rằng “thực tế vừa qua, một số cơ quan phối hợp chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại”.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho hay ông đã yêu cầu các cơ quan rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, quy định về giá xăng dầu; cũng như chỉ đạo họ phải “linh hoạt hơn, nhanh hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn” trong điều hành và phản ứng về chính sách.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG