Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 10 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch trong 8 tháng đầu năm lên 77 tỷ USD, tăng 15,16 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng 24,51%.
Thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, được Tạp chí Hải quan đăng tải hôm 17/9, cho biết rằng 8 tháng đầu năm, riêng Hoa Kỳ chiếm tới 30,48% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo tờ tạp chí của Tổng cục Hải quan, hầu hết hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng nông sản, “đều có mặt ở nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Tin cho hay, tính tới hết tháng 8, có 11 nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 3 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Theo Tạp chí Hải quan, dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 13,19 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là dệt may đạt 12,88 tỷ USD, tăng 22,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,12 tỷ USD, tăng 25%.
Tin cho hay, ở chiều ngược lại, 8 tháng đầu năm nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 9,92 tỷ USD, giảm hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 8 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ hơn 67 tỷ USD.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tháng trước nói rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo “tăng mạnh” từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, và lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm nay.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của World Bank nhận định rằng con số tăng trưởng trên nhờ vào việc “phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ”.
Theo World Bank, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý 4 năm 2021, 5,1% trong Q1/2022, và 7,7% trong Q2/2022, khi “người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng”.