Đường dẫn truy cập

Petrolimex kiến nghị khẩn sau khi 25 nhà bán lẻ đòi giải quyết bất cập kinh doanh xăng dầu


Một cây xăng tai Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ vừa kiến nghị Nhà nước bỏ trích quỹ bình ổn vì không đúng với mục đích đề ra và bất ổn trong điều hành quản lý giá.
Một cây xăng tai Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ vừa kiến nghị Nhà nước bỏ trích quỹ bình ổn vì không đúng với mục đích đề ra và bất ổn trong điều hành quản lý giá.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản khẩn gửi giới hữu trách để kiến nghị tháo gỡ khó khăn, sau khi hàng chục doanh nghiệp bán lẻ gửi văn bản lên Bộ Công thương và các cơ quan khác yêu cầu giải quyết những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Trong văn bản kiến nghị gửi cho Bộ Công Thương, UBND TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM vào ngày 29/8, 25 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nêu ra 5 vấn đề bất cập trong việc điều hành xăng dầu. Trong đó, các doanh nghiệp đặt câu hỏi về việc trích quỹ bình ổn, từ đó kiến nghị Nhà nước nên bỏ trích quỹ này vì không đúng với mục đích Chính phủ đề ra và bất ổn trong điều hành quản lý giá.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước nên hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối xăng dầu không tuân thủ theo quy định về an ninh năng lượng, điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600 - 800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để họ đủ sức duy trì hoạt động, rút ngắn thời gian điều hành giá trong vòng 24 giờ kể cả ngày nghỉ, lễ để tránh tình trạng găm hàng tạo ra khan hiếm.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đề xuất được phép ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thay vì chỉ một doanh nghiệp đầu mối để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Trước những kiến nghị trên, Petrolimex đã gửi văn bản khẩn cho Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào ngày 2/9, nói diễn biến giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu hiện nay “hết sức phức tạp”, với mức tăng/giảm bất thường với biên độ rất lớn và chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố về địa chính trị, dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng nguồn cung khí đốt khu vực EU….

Trong khi đó, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở và các chi phí vận tải, hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối phát sinh lỗ lớn… gây ra những khó khăn rất lớn về tài chính cho các thương nhân đầu mối trong việc chia sẻ thù lao, chiết khấu với đại lý.

Ngoài ra, tình trạng sản lượng tiêu thụ tăng đột biến cũng tạo nên áp lực lớn trong công tác tạo nguồn do lượng hàng tồn kho sụt giảm nhanh, trong khi việc mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho sự thiếu hụt, vẫn theo diễn giải của Petrolimex được Tuổi Trẻ trích dẫn.

Vì vậy, Petrolimex lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ có thể xảy ra nếu công tác kiểm soát tồn kho và công tác vận chuyển không được phối hợp chặt chẽ.

Tập đoàn này đã báo cáo Liên bộ Công Thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp một số kiến nghị để bình ổn thị trường xăng dầu, bao gồm tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu bán; kịp thời điều chỉnh chi phí premium và chi phí vận tải; ghi nhận các yếu tố khách quan dẫn đến kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2022 của tập đoàn bị lỗ do tham gia bình ổn thị trường; và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nguồn.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG