Đường dẫn truy cập

Các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí giới hạn giá dầu Nga nhưng chưa xác định mức trần


Một kho chứa dầu của Nga.
Một kho chứa dầu của Nga.

Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 hôm thứ Sáu 2/9 nhất trí về áp đặt giá trần đối với dầu của Nga nhằm làm giảm nguồn thu của Moscow đổ vào cuộc chiến ở Ukraine, trong khi vẫn giữ cho dầu thô lưu thông để tránh tăng giá, nhưng tuyên bố của G7 không cho biết các chi tiết chính của kế hoạch này.

Các bộ trưởng của nhóm các nước dân chủ công nghiệp giàu có xác nhận họ cam kết về bản kế hoạch sau một cuộc họp qua mạng. Tuy nhiên, họ cho biết mức trần giá mỗi thùng sẽ được xác định sau, "dựa trên một loạt các yếu tố kỹ thuật đầu vào" sẽ phải được liên minh các nước thực thi cùng đồng ý.

"Hôm nay, chúng tôi khẳng định chủ trương chính trị chung của chúng tôi là hoàn thiện và thực thi lệnh cấm toàn diện đối với các dịch vụ thiết yếu cho việc vận chuyển hàng hải dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga đi ra toàn cầu", các bộ trưởng G7 thông báo.

Các dịch vụ vận tải biển, bao gồm cả bảo hiểm và tài chính, sẽ chỉ được phép cung cấp nếu các mặt hàng dầu của Nga được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá "được ấn định bởi liên minh rộng rãi gồm các quốc gia tuân thủ và thực hiện việc giới hạn giá".

Các bộ trưởng G7 cho biết họ sẽ làm việc để hoàn thiện các chi tiết, thông qua các quy trình trong nước của từng nước, nhằm làm cho động thái này khớp với việc Liên hiệp châu Âu bắt đầu các lệnh trừng phạt theo đó sẽ cấm nhập khẩu dầu của Nga vào khối bắt đầu từ tháng 12.

G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Các bộ trưởng cho biết họ sẽ tìm cách hình thành một liên minh rộng lớn hơn gồm các nước nhập khẩu dầu mỏ để mua các sản phẩm dầu thô và xăng dầu của Nga chỉ bằng hoặc thấp hơn mức giá trần, đồng thời sẽ mời các nước đó góp ý vào bản kế hoạch.

Một số quan chức G7 bày tỏ lo ngại rằng giới hạn bằng giá trần sẽ không thành công nếu không có sự tham gia của các nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước này đã tăng mạnh việc mua dầu thô của Nga kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2/2022. Nhưng những người khác cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã bày tỏ quan tâm đến việc mua dầu của Nga với mức giá thậm chí thấp hơn so với mức giá trần.

Việc thực thi mức giá trần sẽ chủ yếu dựa vào việc từ chối bảo hiểm vận chuyển do London làm trung gian, loại bảo hiểm này phục vụ cho khoảng 95% đội tàu chở dầu trên thế giới và chi trả cho những lô hàng có giá cao hơn mức trần. Nhưng các nhà phân tích nói rằng vẫn có thể có cách lách qua quy định về giá trần và các thế lực trên thị trường có thể khiến nó không hiệu quả.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết bất chấp việc số lượng xuất khẩu dầu của Nga bị giảm xuống, trong tháng 6, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga lại tăng thêm 700 triệu đô la so với tháng 5 do giá dầu bị đẩy lên cao hơn vì cuộc chiến ở Ukraine.

(Reuters)

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG