Trưởng cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (25/8) nói rằng bà vẫn đang nhắm đến việc công bố một báo cáo được mong đợi từ lâu về cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào cuối nhiệm kỳ 4 năm trong tuần tới giữa bối cảnh “áp lực to lớn” về mọi mặt.
Tuy nhiên, việc thiếu cam kết chắc chắn của cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet trong cuộc họp báo cuối cùng của bà càng gây ra nhiều chỉ trích hơn từ các nhóm xã hội dân sự, những người cáo buộc bà đã quá mềm mỏng với Trung Quốc kể từ chuyến thăm hồi tháng 5.
Báo cáo đã được làm trong ba năm và hứa hẹn trong nhiều tháng nhưng vẫn chưa được công bố vì lý do không rõ ràng.
“Chúng tôi đang rất cố gắng để thực hiện những gì tôi đã hứa”, bà Bachelet nói, đề cập đến cam kết công bố báo cáo trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/8.
Khi được yêu cầu giải thích thêm về lý do tại sao nó chưa được công bố, bà Bachelet nói bà cần thời gian để tích hợp thông tin mới từ chuyến thăm của mình và xem xét những ý kiến đóng góp về nội dung báo cáo từ Trung Quốc.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh có những hành vi ngược đãi đối với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi với số lượng khoảng 10 triệu người ở khu vực phía tây Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng lao động cưỡng bức hàng loạt trong các trại giam giữ.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc diệt chủng.
Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc.
Bà Sophie Richardson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc, nói phản ứng của bà Bachelet là “cực kỳ không thỏa đáng” so với quy mô của các vụ lạm dụng.
Bà Michele Taylor, đại sứ Hoa Kỳ về nhân quyền tại Geneva, kêu gọi công bố báo cáo và nói rằng “thế giới xứng đáng được xem một báo cáo độc lập và trung thực” về tình hình.
Tháng trước, Reuters đưa tin rằng Trung Quốc đã yêu cầu bà Bachelet hủy bỏ bản báo cáo, theo một bức thư được các nhà ngoại giao xác nhận.
Bà Bachelet xác nhận hôm thứ Năm rằng bà đã nhận được bức thư mà bà nói rằng đã được ký bởi khoảng 40 quốc gia khác. Bà nói thêm rằng văn phòng của bà sẽ không hồi đáp trước áp lực như vậy.
“Tôi đã bị áp lực rất lớn về việc công bố hoặc không công bố, nhưng tôi sẽ không công bố hoặc từ chối công bố do bất kỳ áp lực nào như vậy”, bà nói.
Tuy việc văn phòng của bà Bachelet chia sẻ một báo cáo chưa được công bố với quốc gia liên quan là một thông lệ, nhưng các nhóm nhân quyền lo ngại điều này khiến Trung Quốc có cơ hội để định hình nội dung báo cáo theo ý mình.
Diễn đàn