Người lao động bình thường ở Việt Nam giờ đây phải mất tới hai phần ba cuộc đời mới mua được một căn hộ, các báo Việt Nam cho hay, dẫn lại thông tin đưa ra tại một buổi tọa đàm gần đây. Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA hôm 23/8 rằng nạn đầu cơ nhà đất chưa bị kiểm soát chính là nguyên nhân làm người dân ngày càng khó mua nhà.
Nhiều báo trong nước tường thuật về một buổi tọa đàm hôm 13/7 trong đó chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết ở thời điểm năm 2022, một người có thu nhập trung bình ở Việt Nam cần tới 57 năm tiền lương mới mua được một căn hộ. Tính toán này dựa trên các tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, theo ông Nghĩa, được báo chí dẫn lại.
Vẫn chuyên gia Nghĩa đưa ra so sánh thêm là cách đây 4 năm, người lao động Việt cần 35 năm để mua được căn hộ. Như vậy, con đường đi đến sở hữu nhà của người Việt ngày càng nhiều khó khăn hơn.
Theo quan sát của VOA, thông tin kể trên gây xôn xao dư luận, có người dùng từ “choáng” để diễn tả cảm xúc. Nhiều người nêu giả sử rằng nếu một người Việt bắt đầu đi làm và có thu nhập vào năm 21 tuổi, như vậy, phải sau gần 6 thập kỷ làm việc liên tục - giả định thêm là không ốm đau, không mất việc - người đó khi gần 80 tuổi mới có thể mua được nhà, nếu còn sống.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia Nghĩa lưu ý rằng cũng theo các tiêu chí của IMF, khi người dân lao động bình thường ở một nước cần trên 30 năm làm việc mới mua được căn hộ, điều đó cũng đồng nghĩa là thị trường bất động sản bắt đầu có hiện tượng bong bóng.
Như VOA đã đưa tin, thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 trong số 11 nước Đông Nam Á và thứ 130 trên 195 nước được Ngân hàng Thế giới thống kê, xếp hạng, theo số liệu được ngân hàng này cập nhật ngày 1/7.
Bộ Chỉ số Phát triển Thế giới được Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy GNI đầu người của Việt Nam vào năm 2021 là 3.560 đô la, tương đương gần 84 triệu đồng.
Trong khi đó, nhiều tin bài trên báo chí trong nước dẫn lại thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trong cùng năm đó, tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hầu như không có căn hộ với giá 25 triệu đồng/m2. Nhiều người dân nói việc đi tìm mua nhà hay căn hộ dưới 2,5 tỷ đồng ở các thành phố lớn là hành trình gian nan.
Khi được hỏi vì sao người dân Việt ngày càng khó mua nhà, giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, nói với VOA hôm 23/8: “Nguyên nhân của nó là tình trạng đầu cơ nhà ở, đất ở ở Việt Nam hiện nay là chưa kiểm soát được”.
Giáo sư Võ phân tích rằng thị trường Việt Nam đã và đang có sự lệch lạc khi mà lâu nay vẫn có nhiều nguồn cung các loại bất động sản có tính chất đầu cơ, tương tự như vậy là cầu đầu cơ luôn cao. Trong khi đó, cầu về nhà ở giá cả phải chăng, trong khả năng thanh toán của người dân có thu nhập thấp lại không có cung.
“Chính vì vậy, nó tạo ra tình trạng luôn luôn rơi vào sốt giá đất. Người cần nhà đất để ở thì không có nguồn cung. Nhà vừa với túi tiền của người thu nhập thấp thì không có nguồn cung. Thế nhưng trong khu vực nhà ở cao cấp thì có bao nhiêu cung cũng rơi vào đầu cơ”, ông Võ nói thêm với VOA.
Nạn đầu cơ tiếp diễn năm này qua năm khác vì Việt Nam chưa có sắc thuế đánh vào bất động sản, nên chưa khống chế được tình trạng sốt giá trước đây cũng như hiện nay, vẫn lời giáo sư Võ.
Vấn đề đánh thuế bất động sản đã nhiều lần được đặt ra, kể cả tại quốc hội của Việt Nam, như VOA đã đưa tin, nhưng chưa ngã ngũ vì bản thân nhiều người dân không muốn đóng thêm tiền thuế trong bối cảnh thu nhập còn chưa cao.
Trong khi đó, một số nhà quan sát nói với VOA rằng giới quan chức và những người giàu có - vừa nắm trong tay nhiều bất động sản vừa có thể gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách - càng không muốn có thuế đánh vào bất động sản.
Thiếu giải pháp lâu bền, một biện pháp trước mắt đã được nhà nước Việt Nam áp dụng trong những tháng gần đây để điều trị cơn sốt nhà đất là siết chặt tín dụng.
“Tức là không cho vay nữa mà kiểm soát việc vay, đặc biệt là những trường hợp vay để đầu tư vào bất động sản”, giáo sư Đặng Hùng Võ nói, nhưng để biết được động thái này có hiệu quả ra sao phải có thời gian theo dõi, ông nói thêm.
Một động thái khác có thể góp phần giúp một số người thu nhập thấp dễ thở hơn trong cuộc mưu cầu sở hữu nhà là hồi đầu tháng 8, Bộ Xây dựng Việt Nam tổ chức hội nghị về thúc đẩy phát triển nhà xã hội, tại đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất xây dựng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp và công nhân trong giai đoạn 2022-2030.
Các bản tin tường thuật về sự kiện này dẫn lại lời Bộ trưởng Nghị đánh giá rằng số lượng nhà ở xã hội xây dựng được trong thời gian qua chưa được nhiều, tổng cộng khoảng 250.000 căn, là do còn có nhiều khó khăn, trở ngại về thủ tục đầu tư xây dựng, trình tự mua bán cũng kéo dài, phức tạp hơn nhà thương mại.
Ông Nghị cho rằng cần sửa đổi một loạt luật gồm Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế… để giúp tăng tốc việc xây nhà xã hội.
Bình luận về vấn đề này, giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA: “Nếu phát triển được phân khúc này, chắc chắn là cũng sẽ hạn chế việc đầu cơ. Thứ hai là cũng làm nhiều nhà đầu tư chuyển từ phân khúc khá cao sang phân khúc phải chăng”.
Giáo sư Võ góp ý thêm rằng Việt Nam cũng cần chuyển tư duy về nhà ở xã hội mang tính bao cấp quá nhiều sang tư duy về cơ chế thị trường để phát triển nhà ở giá phải chăng. “Ngân sách nhà nước không thể đủ để bao cấp cho nhà ở xã hội được, chắc chắn là sẽ khó dẫn đến thành công, cho nên Việt Nam phải thay đổi tư duy”, vị cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói.
Diễn đàn