Các chuyên gia của Bộ Công thương Việt Nam vừa đưa ra khuyến cáo, kêu gọi các nhà xuất khẩu trong nước chuẩn bị tốt cho khả năng gặp rủi ro từ các biện pháp bảo hộ thương mại của Australia, giữa bối cảnh nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang bị Úc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công Thương, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dự kiến ngày càng đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, Úc là một thị trường xuất khẩu rất tiềm năng những cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về các biện pháp bảo hộ thương mại.
Theo lời giới chức này, nếu bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thì doanh nghiệp Việt Nam có thể bị áp thuế xuất khẩu với mức cao hơn trước khi giảm thuế từ cam kết FTA, dẫn đến nguy cơ bị mất một phần thị trường hoặc thậm chí mất luôn thị trường đó nếu không thể cạnh tranh.
Tính đến tháng 6/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối diện với 222 vụ điều tra từ 19 thị trường. Trong đó, có 18 vụ đến từ Australia, bao gồm cả các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, chủ yếu đối với các sản phẩm thép (61%), theo Bộ Công thương.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thép là một trong những ngành có số vụ kiện thương mại nhiều nhất. Từ năm 2004 đến tháng 7/2022, ngành này đã phải đối mặt với 68 vụ kiện, bao gồm các vụ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống trốn thuế.
Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam như giấy, dây cáp điện và đồ gia dụng cũng gặp rủi ro về phòng vệ thương mại.
Việt Nam và Australia là đối tác trong 3 hiệp định thương mại tự do chung, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bộ Công Thương Việt Nam cho biết hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Australia đã tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giai đoạn 2011 - 2021 tăng trung bình 11,5%. Thống kê tháng 7/2022 cho thấy Úc vượt lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, từ vị trí thứ 10 vào năm 2021 với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 49% so với năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc bao gồm nông sản, thủy sản và các sản phẩm gỗ, máy móc, phương tiện vận tải và thép. Ngược lại, xuất khẩu của Úc sang Việt Nam bao gồm nguyên liệu dệt may và da giày, than đá, quặng sắt, sản phẩm sữa, hóa chất và các sản phẩm hóa học.
Các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại bằng cách nghiên cứu luật của các nước nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại để có ứng xử phù hợp.
Diễn đàn