Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch luân phiên hiện nay của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hôm thứ Tư (3/8) nói khối này sẽ buộc phải xem xét lại một kế hoạch hòa bình đã được thống nhất với Myanmar nếu các nhà cầm quyền quân sự của nước này hành quyết thêm nhiều tù nhân hơn.
Khối 10 quốc gia đang thúc đẩy Myanmar tuân thủ “Đồng thuận” hòa bình 5 điểm đã được nhất trí vào năm ngoái, và lên án hành động gần đây của chính quyền quân đội đối với bốn nhà hoạt động dân chủ.
“Nếu có thêm tù nhân bị hành quyết, chúng tôi sẽ buộc phải suy nghĩ lại... vai trò của chúng tôi đối với Đồng thuận 5 điểm của ASEAN”, ông Hun Sen nói vào lúc khai mạc cuộc họp của các ngoại trưởng trong khối.
Ông Hun Sen nói thêm rằng sự thống nhất của ASEAN đã bị thách thức bởi những tác động chính trị và an ninh của tình hình ở Myanmar, nơi đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế và nhân đạo.
Thủ tướng Campuchia nói mặc dù Đồng thuận 5 điểm “không đạt được mong muốn của mọi người”, nhưng đã có một số tiến bộ, bao gồm cả việc cung cấp viện trợ nhân đạo.
Nhưng ông cho rằng tình hình hiện tại đã “thay đổi đáng kể” và có thể được coi là thậm chí còn tồi tệ hơn so với trước khi có hiệp định hòa bình vì việc chính quyền hành quyết các nhà hoạt động.
Campuchia cùng với các quốc gia thành viên ASEAN khác “vô cùng thất vọng và lo lắng trước việc hành quyết các nhà hoạt động đối lập ấy, bất chấp việc tôi và những người khác kêu gọi xem xét lại bản án tử hình”, ông Hun Sen nói.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ đang “xem xét có thể làm được gì để duy trì và gia tăng áp lực lên chế độ nhằm chấm dứt gọng kìm của bạo lực”.
Quân đội Myanmar tuần trước đã biện hộ về việc hành quyết các nhà hoạt động, gọi đó là “công lý cho người dân”, bác bỏ làn sóng lên án của quốc tế, bao gồm cả các nước láng giềng thân cận nhất.
Quân đội nói họ đã hành quyết các nhà hoạt động vì hỗ trợ cho “hành động khủng bố" của một phong trào phản kháng dân sự. Đây là vụ hành quyết đầu tiên của Myanmar trong nhiều thập niên.
Myanmar sẽ không có đại diện trong cuộc họp tuần này sau khi các nhà cầm quyền quân sự từ chối đề cử một đại diện không phải là quân nhân thay thế.
Kể từ cuối năm ngoái, ASEAN đã cấm chính quyền Myanmar tham gia các cuộc họp của khối vì không có tiến bộ trong việc thực hiện kế hoạch hòa bình.
Một số thành viên khác của ASEAN, vốn có truyền thống không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, ngày càng tỏ ra cứng rắn trong việc chỉ trích các tướng lĩnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Saifuddin Abdullah, mô tả các vụ hành quyết là một tội ác chống lại loài người và giống như “một sự nhạo bang” đối với kế hoạch hòa bình của ASEAN.
Diễn đàn