Bà Nguyễn Xuân Mai, chánh trị sự Cao Đài độc lập Vĩnh Long, bị nhà chức trách Việt Nam câu lưu và thẩm vấn trong sáu giờ ngay sau khi bà đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào tối ngày 22/7. Bà Mai là người duy nhất từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế diễn ra tại thủ đô Washington vào tháng trước.
Hôm 25/7, bà Mai cho biết VOA rằng bà đã trình bày sự việc cho các quan chức ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tin từ trang Bàn tròn Đa tôn giáo Việt Nam cho biết: “Tài khoản gmail của Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai đã bị công an chiếm đoạt”. Trang này trước đó cho biết rằng thân nhân ra sân bay đón bà Mai như không liên lạc được với bà và loan báo rằng bà đã mất tích.
VOA đã liên lạc Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an Việt Nam, để tìm hiểu thêm về việc này, nhưng chưa được phản hồi.
Khi hay tin bà Mai bị câu lưu, ông Sam Brownback, đồng chủ tịch Ban chỉ đạo của Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022 (IRS Summit 2022), lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trên Twitter:
“Hôm nay rất lo ngại về việc bà Nguyễn Xuân Mai bị mất tích khi trở về Việt Nam. Rõ ràng bà đã được công an thả ra sau SÁU giờ thẩm vấn tại sân bay. Rất may là bà đang trên đường về nhà nhưng kiểu quấy rối này của chính quyền là hoàn toàn không chính đáng”.
Ông Sam Brownback là Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ từ năm 2018 đến năm 2021 dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, hôm 20/7, đương kim Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Rashad Hussain, viết trên Twitter cầu chúc bà Mai bình an khi quay về Việt Nam.
“Bà Nguyễn Xuân Mai là một nhà đấu tranh can đảm cho quyền của đạo Cao Đài độc lập và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, kể cả tại IRF Summit 2022. Chúng tôi cầu chúc cho bà một hành trình trở về nhà ở Việt Nam an toàn”.
Trong khuôn khổ của Hội nghị diễn ra từ ngày 28-30 tháng 6, bà Mai và các nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Việt Nam tại Mỹ đã có cuộc gặp với Đại sứ Hussain tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Lê Minh Đạo, một nhà hoạt động cho tự do tôn giáo ở Texas, Mỹ, nói với VOA:
“Họ đã cấp giấy cho cô Chánh trị sự Nguyễn Xuân Mai đi qua đây rồi thì khi về cũng nên để cho cô có quyền tự do để trở lại…. Đây chứng minh cho thấy là sự vi phạm quyền tự do của công dân Việt Nam”.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam gây cản trở trong việc xuất, nhập cảnh của bà, đặc biệt liên quan đến các chuyến ra nước ngoài nhằm tranh đấu cho nhóm Cao Đài Chơn Truyền 1926, do bị cho là đã rơi vào tay của hệ phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn.
Bà Mai nói với VOA về những lần bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh trước đây:
“Tôi đã 4 lần xuất cảnh để tham dự hội nghị tự do tôn giáo và niềm tin ở các quốc gia Đông Nam Á. Tôi bị cấm xuất cảnh năm 2015, nhưng sau đó cũng cố gắng tham dự được ở Thái Lan. Năm 2017 tôi đến Philippines và dự hội nghị tại đó. Nhưng rất tiếc đến năm 2018, tôi bị cấm xuất cảnh tại cửa khẩu Long Bình [An Giang], và đến năm 2019, mấy ông chính quyền, an ninh lại không cho xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất nên tôi phải hủy vé.”
Không may mắn như bà Mai là được xuất cảnh để sang Hoa Kỳ dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế lần này, ông Hứa Phi, một đồng đạo khác của nhóm Cao Đào Chơn Truyền, cho VOA biết ông được mời tham dự sự kiện này nhưng chính quyền không cho phép đi.
Từ Lâm Đồng, ông Hứa Phi nói:
“Vừa rồi được thư mời của ông Sam Brownback, mời dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Washington. Nhà cầm quyền cũng không trả lại hộ chiếu cho tôi, và cũng không cho ra khỏi địa phương. Và trong tháng 6 tôi bị làm việc 3 lần”.
Chính quyền huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng chưa hồi đáp ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Trong báo thường niên về tự do tôn giáo 2021 phát hành vào tháng 6/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu các trường hợp sách nhiễu đối với các tín hữu Cao Đài độc lập tại Việt Nam: “Các tín đồ đạo Cao Đài độc lập cũng báo cáo rằng công an sách nhiễu họ nhằm ngăn cản họ tham gia các sự kiện xã hội dân sự, trong đó có việc sách nhiễu họ khi đang diễn ra Hội nghị trực tuyến về Tự do tín ngưỡng, tôn giáo Đông Nam Á vào tháng 12”.
Chính quyền Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo cáo về tự do tôn giáo của phía Hoa Kỳ, và luôn cho rằng Việt Nam “thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.
Diễn đàn