Đường dẫn truy cập

Việt Nam bị nói ‘vi phạm’ lễ tân ngoại giao vì phát tán video bữa ăn tối tại Nhà Trắng


Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trò chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khi các vị khách khác dùng bữa tối trong Phòng Quốc Yến tại Nhà Trắng, ở Washington, ngày 12 tháng 5 năm 2022. Ảnh chụp màn hình video do Báo Điện tử Chính phủ đăng tải.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trò chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khi các vị khách khác dùng bữa tối trong Phòng Quốc Yến tại Nhà Trắng, ở Washington, ngày 12 tháng 5 năm 2022. Ảnh chụp màn hình video do Báo Điện tử Chính phủ đăng tải.

Những đoạn video quay Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trò chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại bàn ăn tối ở Nhà Trắng hồi tháng 5 vi phạm lễ tân ngoại giao và phép lịch sự thông thường, các cựu quan chức ngoại giao cao cấp và các cựu quan chức đặc trách lễ tân thuộc ba thời tổng thống khác nhau của Mỹ nói với VOA Tiếng Việt.

Vụ việc này đánh dấu thêm một sơ suất ngoại giao gây kinh ngạc nữa trong chuyến thăm được xem là quan trọng của ông Chính tại Mỹ, nơi ông cùng các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN tại thủ đô Washington. Một vụ việc khác được truyền thông tiếng Việt ở Mỹ loan tin vào thời điểm đó liên quan tới một video mà trong đó ông Chính cùng các quan chức cao cấp khác của Việt Nam được nghe thấy tán gẫu thân mật và bình phẩm về các quan chức cao cấp của Mỹ, không hay biết lời lẽ của họ đang được truyền phát trực tiếp.

Những đoạn video quay trong Phòng Quốc Yến của Nhà Trắng được đưa vào các bản tin thời sự của các đài quốc doanh hàng đầu Việt Nam khi họ tường trình về sự kiện các nhà lãnh đạo từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á dự bữa ăn tối do Tổng thống Biden chiêu đãi vào ngày 12 tháng 5. Chúng cũng được phát tán trên website và mạng xã hội của các cơ quan này và được các hãng thông tấn khác trong nước đăng lại.

Góc quay tập trung vào ông Biden và ông Chính trò chuyện tại bàn ăn – và có lúc bật cười vui vẻ – chứng tỏ mối giao hảo nồng ấm giữa lãnh đạo hai nước từng là kẻ thù thời Chiến tranh Việt Nam. Nhưng lọt vào khung hình cũng là những khoảnh khắc riêng tư của các nhà lãnh đạo khác trong khối ASEAN đang ăn uống, điều mà vốn dĩ giới truyền thông không được Nhà Trắng cho phép ghi hình.

Những người này bao gồm quốc vương, hoàng tử, tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao, đại sứ, tổng thư ký, và cố vấn an ninh quốc gia của các phái đoàn khác.

“Một khuyến nghị rất nên được chấp hành là tránh chụp ảnh quay phim trong lúc người ta đang ăn uống. Làm như vậy ngay giữa bữa ăn không bao giờ là điều lịch sự cả,” Leslie Lautenslager, người từng giữ chức Trợ lý Chủ nhiệm Lễ tân đặc trách Nghi thức dưới quyền Ngoại trưởng Colin Powell thời Tổng thống Bush, nhận định. “Đối với sự kiện mang tính chất riêng tư, cần tránh và không nên khuyến khích hoạt động như vậy khi có thể.”

Công bố và phát tán các đoạn video quay ở nơi riêng tư, Việt Nam dường như đã không tuân thủ những chỉ dẫn hoặc quy định mà Nhà Trắng đã phổ biến trước đó cho tất cả các phái đoàn ASEAN tham dự buổi chiêu đãi.

Văn phòng Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Việt Nam không hồi đáp email của VOA hỏi về việc quay và công bố những đoạn video này.

Nhà Trắng từ chối bình luận về vụ việc.

Các nhà lãnh đạo từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chụp ảnh cùng Tổng thống Joe Biden trong một bức ảnh tập thể tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng ở Washington, ngày 12 tháng 5 năm 2022.
Các nhà lãnh đạo từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chụp ảnh cùng Tổng thống Joe Biden trong một bức ảnh tập thể tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng ở Washington, ngày 12 tháng 5 năm 2022.

Lễ tân và phép lịch sự

Lễ tân ngoại giao là những quy tắc và quy trình được chấp nhận rộng rãi mà qua đó những người từ tất cả nền văn hóa có thể hiểu nhau và ứng xử phù hợp, theo một tài liệu huấn luyện nhân viên ngoại giao được ấn hành bởi Học viện Ngoại giao của chính phủ Mỹ. “Thực tế, lễ tân là cái khung cho bức tranh thay vì là nội dung của bức tranh,” tài liệu nói.

Đối với các chuyên viên lễ tân, nhiệm vụ của họ là nỗ lực cung cấp một môi trường giúp khuyến khích ngoại giao và cho phép các mối quan hệ phát triển giữa các yếu nhân và các quan chức, các nền văn hóa và các quốc gia, bà Lautenslager, người bắt đầu sự nghiệp lễ tân ngoại giao thời chính quyền Tổng thống Reagan và hiện đang làm công tác tư vấn trong lĩnh vực này, nói với VOA.

Bà cho biết các chuyên viên lễ tân thường cảm thấy bực bội khi gặp phải những người không chấp hành quy định và không xem phép lịch sự thông thường là điều quan trọng. Và vì thế, dù các chuyên viên lễ tân có cố gắng giám sát tình hình chặt đến mấy thì vẫn có những người quyết tâm lách quy định.

“Thường thì ý định không có gì xấu hơn là một vị khách hăm hở quá mức với suy nghĩ ‘tôi biết làm vậy không được nhưng mà ngàn năm một thuở mới có dịp đến Nhà Trắng nên phải quay phim lại thôi,’” bà nói thêm. “Có những lúc có người cho rằng họ phải lợi dụng tình hình bất chấp các quy định đã đặt ra từ trước.”

Trong trường hợp buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng, các quy định đặt ra từ trước bị phá vỡ khi những hình ảnh riêng tư của các nhà lãnh đạo trong bữa ăn được công bố và phát tán trên truyền thông nhà nước Việt Nam.

Chỉ dẫn của Nhà Trắng gửi cho giới truyền thông, bao gồm VOA, một ngày trước khi diễn ra buổi chiêu đãi nêu rõ sự kiện này không cho báo chí tiếp cận. Các nhà báo chỉ được phép chụp ảnh ở phần đầu sự kiện khi ông Biden có vài lời phát biểu và nâng ly cùng khách tham dự, sau đó báo chí được yêu cầu rời đi, theo những video và hình ảnh mà Việt Nam và các nước khác đã công bố.

Các cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ nói có phần chắc thành viên trong phái đoàn Việt Nam dự buổi chiêu đãi đã quay những đoạn video này, dường như bằng một thiết bị di động cá nhân.

VOA có được danh sách khách mời tham dự buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là hai đại diện của phái đoàn Việt Nam. Không rõ ông Sơn có phải là một trong những người quay video hay không.

Trong một đoạn video quay từ vị trí bàn ăn lúc ông Biden dẫn đầu các nhà lãnh đạo cao cấp nhất bước vào Phòng Quốc Yến, có thể nghe thấy giọng một người đàn ông có lẽ là người quay video nói: “Mời thủ tướng đây ạ.” Một số đoạn video quay vào thời điểm giữa bữa ăn cho thấy ghế ngồi của ông Sơn đang trống, nhưng ông có mặt trong ít nhất một đoạn video quay toàn cảnh bàn ăn vào một thời điểm trước đó.

Các cựu quan chức ngoại giao cao cấp được VOA liên lạc để hỏi ý kiến, một số người phát biểu với điều kiện ẩn danh, đều từng là nhân viên chuyên nghiệp với kinh nghiệm hàng chục năm làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ. Tất cả họ từng lãnh đạo các phái bộ ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á và những khu vực địa lý khác. Một số người có kinh nghiệm dày dạn về Châu Á.

“Các khía cạnh lễ tân của bất cứ bữa ăn tối nào tại Nhà Trắng – bao gồm việc truyền thông được phép tường trình những gì – đã được nêu rõ từ trước,” Gordon Gray, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tunisia từ năm 2009 đến 2012, nói. “Vì vậy ghi hình bữa ăn tối sẽ là vi phạm cả lễ tân ngoại giao lẫn phép lịch sự thông thường.”

“Làm chuyện này là không đúng,” một cựu quan chức lễ tân cao cấp từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Obama nói, nhắc đến việc quay và công bố video. Người này yêu cầu được ẩn danh để có thể thẳng thắn nêu ý kiến.

Những điều hé lộ từ video

VOA xem qua các chương trình thời sự và các video clip riêng lẻ được đưa lên internet bởi các cơ quan truyền thông nhà nước hàng đầu – bao gồm Báo Điện tử Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Công an Nhân dân, và website tin tức Zing News – và nhận thấy sự giống nhau gần như hoàn toàn về góc quay và chất lượng hình ảnh, một chỉ dấu cho thấy video có phần chắc đến từ cùng một nguồn cung cấp.

Phân tích những chi tiết trên bàn ăn được ghi hình và đối chiếu với danh sách khách mời và thực đơn do Nhà Trắng cung cấp, VOA nhận thấy có bảy đoạn video riêng biệt được sử dụng lặp đi lặp lại trong các bản tin. Chúng được quay vào các thời điểm khác nhau của bữa ăn từ lúc các nhà lãnh đạo bước chân vào Phòng Quốc Yến và ổn định chỗ ngồi cho tới khi các đĩa thức ăn đã được dọn khỏi bàn vào cuối bữa.

Bốn trong số bảy đoạn video này tập trung vào ông Biden và ông Chính đang trò chuyện với nhau trong khi các nhà lãnh đạo khác đang dùng bữa.

“Việc quay video một buổi ăn tối ngoại giao tại Nhà Trắng rồi phát tán sau thời điểm mọi người đã nâng ly công khai là điều bất thường và trái quy tắc,” một cựu quan chức ngoại giao cao cấp từng phục vụ ở một nước Đông Nam Á nói. “Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng thời gian mọi người đang dùng bữa là lúc mà truyền thông không bao giờ được cho phép ghi âm hay quay hình.”

Các đoạn video cũng cho thấy ông Chính dường như đã đổi chỗ ngồi với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan vào một thời điểm nào đó sau khi bữa ăn bắt đầu để ngồi cạnh ông Biden. Các bức ảnh mà Thông tấn xã Việt Nam chụp vào đầu buổi chiêu đãi khi ông Biden đang phát biểu và nâng ly cho thấy ông Sullivan ngồi cạnh ông Biden bên tay trái và ông Chính ngồi cạnh ông Sullivan.

Không có vị khách nào khác được nhìn thấy đã đổi chỗ ngồi trong tất cả các đoạn video và hình ảnh chụp mà phía Việt Nam công bố.

Nhà Trắng và phía Việt Nam không trả lời email của VOA hỏi lý do vì sao có sự thay đổi chỗ ngồi và ông Biden hay ông Chính là người đưa ra yêu cầu đổi chỗ ngồi.

Các cựu quan chức ngoại giao cao cấp nói khó có thể đưa ra nhận định về việc thay đổi chỗ ngồi khi không biết rõ chi tiết về sự sắp xếp của Nhà Trắng. Nhưng họ đồng ý rằng về mặt nguyên tắc, quay video trong bữa ăn và sau đó phát tán cho giới truyền thông là một sự vi phạm mà lẽ ra không nên xảy ra tại một sự kiện ngoại giao cao cấp.

“Về những hạn chế đối với việc chụp ảnh hoặc quay phim, tất cả các phái đoàn lẽ ra nên tuân thủ những quy định mà Nhà Trắng đặt ra,” Earl Anthony Wayne, Đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico từ năm 2011 đến 2015 và tại Argentina từ năm 2006 đến 2009, nói. “Làm trái lại ý muốn của chủ nhà mà không có bất cứ sự tham vấn hay thỏa thuận nào là một sự vi phạm lễ tân.”

Cá biệt giữa các nước ASEAN

Không rõ phía Việt Nam có tham vấn hay thỏa thuận với phía Mỹ hay bất cứ nước ASEAN nào khác về việc quay phim trong bữa ăn hay không, và nếu có thì liệu có bất cứ hạn chế nào đối với việc sử dụng những đoạn phim đã quay hay không.

Văn phòng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Đại sứ quán Philippines ở Washington từ chối bình luận về vụ việc trong email phản hồi VOA. Văn phòng tổng thống, văn phòng thủ tướng, bộ ngoại giao, và đại sứ quán của các nước Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan, và Ban Thư ký ASEAN không hồi đáp yêu cầu bình luận. (Myanmar không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh.)

Nhưng Việt Nam có phần chắc đã nhận được thông báo của Nhà Trắng cho biết buổi chiêu đãi mang tính riêng tư và báo chí không được tiếp cận—như tất cả các nước ASEAN khác.

Một nguồn tin từ văn phòng tổng thống của Indonesia xác nhận với VOA họ được thông báo về quy định này và các nhân viên thuộc bộ phận truyền thông của văn phòng không được vào phòng ăn để ghi lại hình ảnh của Tổng thống Joko Widodo. Thật vậy, video liên quan đến buổi chiêu đãi đăng trên kênh YouTube của văn phòng Tổng thống Widodo không có bất cứ đoạn clip nào được quay bên trong Phòng Quốc Yến của Nhà Trắng.

Một cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ với kinh nghiệm dày dạn về Châu Á cho VOA biết đối với những sự kiện như thế này, Nhà Trắng sẽ đưa ra những chỉ dẫn về truyền thông và báo chí “rất rõ ràng” cho mỗi một sự kiện trên nghị trình Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN.

“Và điều này đặc biệt đúng trong trường hợp bữa ăn tối này, vốn rất quan trọng về mặt biểu tượng và có lẽ cũng quan trọng về thực chất nữa,” cựu quan chức ngoại giao này nói thêm.

“Các chỉ dẫn về truyền thông/quy định cơ bản, như bạn biết rất rõ đấy, sẽ được phổ biến cho tất cả các cơ quan truyền thông được công nhận tường trình về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Tất cả các Phái đoàn ASEAN chính thức – mười quốc gia thành viên riêng lẻ, cộng với Ban Thư ký ASEAN – cũng sẽ nhận được các chỉ dẫn về truyền thông/quy định cơ bản này.”

Cách ứng xử của Việt Nam càng đáng chú ý hơn khi xét trong sự tương quan với các nước láng giềng ngồi cùng bàn ăn. Sự tương phản trở nên rõ nét khi những đoạn video quay ở nơi riêng tư xuất hiện đồng loạt trên các cơ quan truyền thông quốc doanh và có liên hệ với nhà nước ở Việt Nam vài giờ sau khi bữa ăn tối kết thúc.

VOA thẩm duyệt những hình ảnh chụp và video từ 124 trang web bao gồm các cơ quan chính phủ, tài khoản mạng xã hội của các cơ quan chính phủ, tài khoản mạng xã hội của các nhà lãnh đạo, cơ quan truyền thông nhà nước, hãng thông tấn địa phương hàng đầu, và một số tài khoản mạng xã hội khác từ tất cả chín nước ASEAN tham dự buổi chiêu đãi ở Nhà Trắng. Không nước nào công bố và phát tán video quay trong lúc bữa ăn đang diễn ra, ngoại trừ Việt Nam.

Những hình ảnh được đăng tải phổ biến nhất là khoảnh khắc các nhà lãnh đạo ASEAN được Tổng thống Mỹ đón tiếp tại Nhà Trắng và đôi bên chào hỏi xã giao, sau đó họ cùng bước ra Bãi cỏ phía Nam để chụp hình tập thể trước đi vào bên trong tòa nhà.

Một số nước có công bố hình ảnh chụp các nhà lãnh đạo đang ngồi tại bàn ăn trong Phòng Quốc Yến. Cụ thể, bộ thông tin Brunei và thông tấn xã quốc gia Bernama của Malaysia công bố những hình ảnh cho thấy ông Biden đang đứng phát biểu vào đầu buổi chiêu đãi, trong khi một vài hình ảnh mà chính phủ Thái Lan đưa lên website của họ cho thấy các nhà lãnh đạo dường như đã dùng xong một món vào một thời điểm nào đó giữa bữa ăn.

Một video đăng trên trang Facebook của Thủ tướng Campuchia Hun Sen có chứa một đoạn clip quay lúc ông Biden đang đứng phát biểu và sau đó nâng ly mời các nhà lãnh đạo ASEAN cùng tham gia. Nhưng đoạn clip bị cắt ngang sau khi người quay phim bị một nhân viên của phía Mỹ đến nhắc nhở và yêu cầu di chuyển sang chỗ khác. Không có đoạn clip nào khác nữa được chính phủ Campuchia và truyền thông nhà nước dùng trong tường trình của họ về sự kiện này.

Việt Nam là trường hợp cá biệt giữa các nước ASEAN với việc quay video nhiều lần trong suốt bữa ăn rồi phát tán sau khi bữa ăn kết thúc. Ngoài những đoạn video đã được công bố, không rõ phía Việt Nam còn có những đoạn video nào khác nữa không.

“Dường như các thành viên của hai phái đoàn [Campuchia và Việt Nam] đã hoàn toàn coi thường phép lịch sự và lễ tân,” Charles Ray, Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia từ năm 2002 đến 2005 và tại Zimbabwe từ năm 2009 đến 2012, nhận xét.

“Những gì hai nước này đã làm không phải là bất hợp pháp, và theo tôi biết không có quy định nào mà hành động của họ vi phạm cả. Điều mà họ vi phạm là các quy tắc của phép lịch sự thông thường. Khi bạn là khách đến nhà ai đó, bạn tuân theo nội quy,” ông nói thêm.

“Mặt khác, tôi nhận thấy đây là một nỗ lực của cả hai phía nhằm đề cao vai trò của họ trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN với Tổng thống Biden để cho khán giả trong nước thấy.”

‘Chân thành, lòng tin, và trách nhiệm’

Trong lúc chính quyền Biden đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương như một trọng tâm chính sách đối ngoại nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các mối quan hệ đối tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam trở nên quan trọng hơn trong nỗ lực tăng cường giao tiếp của Washington.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được thắt chặt trong những năm gần đây khi Mỹ hành động mạnh mẽ hơn chống lại những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà Việt Nam là một trong những nước đang có tranh chấp với Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả hai nước là “những đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau” trong khi Nhà Trắng nói hai nước “đã vượt qua quá khứ khó khăn để trở thành đối tác đáng tin cậy.”

Sự tin tưởng cũng là một trong những yếu tố then chốt được Việt Nam nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại trong thông điệp của họ gửi tới phía Mỹ, các đối tác quốc tế, và hàng triệu người dân trong nước theo dõi chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Phạm Minh Chính trên cương vị thủ tướng.

“Chúng ta rất vui mừng chứng kiến quan hệ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc sau gần ba thập niên bình thường hóa quan hệ,” ông nói trong một bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Washington trước hội nghị Mỹ-ASEAN. “Mối quan hệ đó đã ‘đơm hoa kết trái’ với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai nước mong muốn hướng tới, đáp ứng nguyện vọng của nhân hai nước.”

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trả lời phỏng vấn của Truyền hình Thông tấn trong một bản tin tổng kết chuyến thăm của phái đoàn Việt Nam, khẳng định Mỹ đã “hiểu rõ hơn Việt Nam là một đối tác chân thành, có trách nhiệm và do đó lòng tin của hai bên được củng cố và tăng cường.”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay chào Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong một cuộc gặp song phương, ngày 13 tháng 5 năm 2022, tại Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay chào Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong một cuộc gặp song phương, ngày 13 tháng 5 năm 2022, tại Washington.

Nhưng việc quay phim và phát tán những hình ảnh từ một bữa ăn riêng tư khơi ra những câu hỏi về sự nhất quán giữa những phát biểu công khai và những hành động đằng sau cánh cửa đóng kín của Việt Nam.

Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư nghiên cứu chính trị và các vấn đề an ninh Đông Nam Á tại Trường Chiến tranh Quốc gia thuộc Đại học Quốc phòng ở Washington, nói việc các cơ quan truyền thông nhà nước được chỉ đạo phát những đoạn video này “là điều đáng lo ngại.” Ông gọi đây là “sự vi phạm lễ tân ngoại giao rõ ràng.”

“Rõ ràng, Thủ tướng muốn cho khán giả trong nước (và các đối thủ chính trị) thấy ông ấy là nhân vật có uy thế trên vũ đài thế giới, ngồi cạnh Tổng thống Mỹ tại bữa ăn tối. Nhưng hành động này rất ngạo mạn ở chỗ họ cho rằng họ sẽ không bị phát hiện,” chuyên gia này nhận định.

“Toàn bộ sự việc cho thấy phía Việt Nam suy xét rất kém. Tôi chắc chắn chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng gạt vụ này sang một bên, vì mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về kinh tế và an ninh, là quá quan trọng đối với cả hai bên.”

Cựu Đại sứ Mỹ Charles Ray nói nếu không bắt các vị khách giao nộp điện thoại di động trước khi vào phòng ăn thì có lẽ không có cách gì có thể ngăn được hành vi vi phạm phép lịch sự. Ông nói ông không tin rằng phía Mỹ sẽ “làm quá chuyện này,” ngoại trừ có lẽ sẽ dè dặt hơn khi làm việc với phía Việt Nam trong tương lai.

Ông cho biết chuyện này làm ông nhớ lại một vụ việc xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh khi ông giữ chức Tổng lãnh sự Mỹ đầu tiên ở đây trong những năm 1990. Ông kể ông và các nhân viên được mời đến dự một buổi họp “vô cùng dài và nhàm chán” của nhà chức trách thành phố báo cáo tình hình phát triển kinh tế. Ông cho biết lúc ấy ông không để ý tới những máy quay phim mà họ “đặt trong mỗi một cuộc họp với người nước ngoài.” Tối hôm đó, chương trình thời sự phát bản tin về cuộc họp chiếu những hình ảnh của ông với vẻ chán chường và đang ăn đậu phộng, ông kể.

“Khi làm việc với những nước như thế này, chúng ta không bao giờ được quên rằng bất cứ thứ gì và mọi thứ đều có thể bị biến thành sản phẩm tuyên truyền của họ, và họ sẽ làm bất cứ điều gì để đưa ra thông điệp của họ theo cách họ muốn bất kể chúng ta muốn gì,” cựu đại sứ Mỹ nhắc nhở.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG