Các ngoại trưởng G20 sẽ đến hòn đảo nghỉ dưỡng Bali trong tuần này để dự một cuộc họp được cho là bị bao phủ bởi cuộc chiến ở Ukraine, với sự tham dự của Nga, tạo ra những rạn nứt trong khối khi nước chủ nhà Indonesia cố gắng làm trung gian hòa giải.
Nhóm G20, bao gồm các nước phương Tây, cáo buộc Moscow về tội ác chiến tranh ở Ukraine và áp dụng các biện pháp trừng phạt, nhưng trong nhóm cũng có các nước như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi không làm theo.
Cuộc họp sẽ là lần đầu tiên các ngoại trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Phát biểu trước thềm cuộc họp G20 kéo dài từ thứ Năm đến thứ Sáu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christian Wagner nói đây không phải là một “hội nghị thượng đỉnh bình thường” cũng không bàn về “những chuyện thường lệ”.
Đức giữ chức chủ tịch Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) và sẽ phối hợp tại Bali về cách ứng phó với Ngoại trưởng Lavrov trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, người phát ngôn của Đức cho biết.
Các quan chức hàng đầu của Anh, Canada và Hoa Kỳ đã bỏ đi khi đại diện của Nga phát biểu tại cuộc họp tài chính của G20 ở Washington vào tháng Tư.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ là người tham gia tích cực tại cuộc họp, đồng thời “cũng tuân theo một mục tiêu nặng nề khác và đó là thực tế rằng không thể quan hệ bình thường với Liên bang Nga”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết .
Ông Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bali, nhưng dự kiến sẽ không có cuộc gặp nào với Ngoại trưởng Lavrov.
Với tư cách là chủ tịch G20 năm nay, Indonesia đã bị cuốn vào tâm điểm của cơn bão địa chính trị về chiến tranh, khi nỗ lực đương đầu với những lời đe dọa tẩy chay các cuộc họp của các nước phương Tây. Sau cuộc họp ngoại trưởng, các bộ trưởng tài chính G20 dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới, cũng tại Bali.
Cố gắng tận dụng sự trung lập của Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã bắt đầu một sứ mệnh trung gian hòa bình đầy tham vọng vào tuần trước. Ông đã đến thăm Kyiv và Moscow để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Indonesia, còn được biết đến với tên Jokowi, đã mời Ukraine tham dự G20 trong năm nay, và đã cố gắng thuyết phục Nga chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc đang gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ông đề nghị để cho Indonesia làm “cầu nối ngoại giao” giữa các quốc gia.
Đại sứ Ukraine tại Indonesia, Vasyl Hamianin, cho biết ngoại trưởng nước ông sẽ có bài phát biểu trực tuyến tại cuộc họp ở Bali.
Diễn đàn