Đường dẫn truy cập

Nhiều tiếng nói bức xúc đòi quốc hội bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu


Giá xăng được thay đổi tại một cây xăng ở Việt Nam vào chiều 1/6/2022. Ảnh chụp màn hình từ trang tin vnexpress.net
Giá xăng được thay đổi tại một cây xăng ở Việt Nam vào chiều 1/6/2022. Ảnh chụp màn hình từ trang tin vnexpress.net

Trong những ngày gần đây, sau khi giá xăng ở Việt Nam tăng liên tiếp và đạt mức kỷ lục gần 33.000 đồng/lít hôm 21/6, nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế và người dân liên tiếp lên tiếng đề nghị quốc hội xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu, theo quan sát của VOA.

Báo Dân Việt hôm 26/6 đăng bài “Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu: Đừng ‘vin’ vào thất thu ngân sách để giá xăng tăng ầm ầm”, tập trung vào vấn đề giá xăng cao tác động tiêu cực tới giá cả hàng hoá, lạm phát và đời sống của người lao động, nhưng người cầm quyền chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, phải chăng vì sợ thất thu ngân sách.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), thẳng thừng nhận xét với Dân Việt rằng “Thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu hiện nay đã lạc hậu, không thể nào áp dụng cho sản phẩm thiết yếu, đầu vào cho sản xuất, kinh doanh như xăng dầu được”.

Ông Hiệp lập luận rằng có thể chấp nhận được việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia, hay những mặt hàng không thiết yếu nói chung, không phải dành cho đa số người dân sử dụng, nhưng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động đến mọi mặt của đời sống người dân, từ chi phí vận chuyển cho đến nhiên liệu đầu vào cho sản xuất.

Đây cũng là quan điểm mà nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế và người dân đưa ra trên báo chí trong nước và mạng xã hội trong nhiều ngày nay, bao gồm cả bài báo “Hạ nhiệt giá xăng dầu: Nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt” đăng trên Tiền Phong và “Nên xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng” trên Đại Biểu Nhân Dân hôm 24/6.

“Chính phủ, Quốc hội cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu”, ông Hiệp nói với Dân Việt, và cho rằng “Giảm thuế xăng dầu hiện nay cũng không thấm nhưng cũng không thể cứ khoanh tay đứng nhìn giá xăng cứ tăng ầm ầm như hiện nay”.

Hôm 23/6, trong một cuộc họp với Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói “Giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa nhưng sẽ kích cầu và phát triển kinh tế” và lưu ý rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải trình quốc hội theo quy định trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, hôm 22/6, Bộ Tài chính cho hay rằng “vì nhiều lý do”, bộ đề nghị “trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu”, nhưng không nói chi tiết đó là những lý do gì.

Bình luận về việc phía nhà nước chỉ lo thất thu ngân sách, Chủ tịch Hiệp hội VLA, ông Lê Duy Hiệp, khẳng định “Giữ ổn định thu ngân sách thật vô nghĩa nếu đời sống người dân, doanh nghiệp thiệt hại”.

“Nếu giữ ổn định thu ngân sách mà lạm phát thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”, ông Hiệp nói với Dân Việt. Dưới góc nhìn của ông, nếu giảm thuế, nhà nước Việt Nam chỉ giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, cụ thể là trong những tháng còn lại của năm 2022, không ảnh hưởng quá mức đến ngân sách dài hạn.

Sâu xa hơn, ông Hiệp cho rằng việc giảm thu cũng là “động lực để giảm chi, tái cơ cấu lại nguồn lực ngân sách đất nước, để khoan sức dân”.

Ông nói thêm về bất cập trong thu chi ngân sách của Việt Nam: “Chi thường xuyên quá lớn, chi xây dựng tượng đài, công trình kỷ niệm, công trình biểu tượng, chi nuôi bộ máy là không thể được chấp nhận trong bối cảnh hiện nay”.

“Chính phủ nên hy sinh phần ngân sách để giảm giá xăng dầu”, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói trong một bài viết đăng trên Kinh Tế Sài Gòn Online hôm 25/6.

Theo ông Thiên, sau khi Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, đất nước cần doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, việc tăng chi phí đầu vào ghê gớm - do tăng giá xăng dầu, kéo theo mọi chi phí đều tăng - chắc chắn là đòn rất nặng.

Trong khi đó, nhà nước được hưởng lợi khi thu ngân sách nhiều hơn song hành với việc tăng giá xăng dầu, ông Thiên nói, và đề nghị rằng “chính phủ nên dành phần đó để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn”.

“Với những tình huống đặc biệt, bất thường, cần phải có những chính sách khác thường chứ không nên lo củng cố ngân sách”, ông Thiên nói thêm.

Chính phủ nên cân nhắc và cần có đề xuất lên quốc hội sớm về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế xuất nhập khẩu, vẫn lời ông Thiên.

Từ cách đây một tháng, theo tìm hiểu của VOA, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, đã đưa ra lời khuyên rằng quốc hội và chính phủ nên tính đến giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Nói với Thông tấn xã Việt Nam hôm 24/5, ông Lâm cho rằng “việc giảm thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu”.

Ông đưa ra phân tích là tuy rằng “Thu từ các loại thuế đánh vào xăng dầu sụt giảm, nhưng khi giảm thuế xăng dầu sẽ giữ ổn định sản xuất của nền kinh tế, thu ngân sách từ thuế sản xuất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác gia tăng sẽ bù đắp và vượt phần hụt thu từ giảm thuế xăng dầu”.

Mặc dù có nhiều lời kêu gọi giảm thuế như kể trên, tuy nhiên, theo quan sát của VOA, nhiều người dân nói trên mạng xã hội rằng họ không thấy có hy vọng gì về việc quốc hội sẽ lắng nghe và hành động theo những lời đề nghị đó.

VOA Express

XS
SM
MD
LG