Đường dẫn truy cập

Đức chuyển sang giai đoạn báo động về khí đốt, cáo buộc Nga 'tấn công kinh tế'


Một nhà máy điện đốt bằng gas của Đức ở quận Niehl thuộc Cologne, tháng 3/2022.
Một nhà máy điện đốt bằng gas của Đức ở quận Niehl thuộc Cologne, tháng 3/2022.

Đức kích hoạt "giai đoạn báo động" nằm trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của quốc gia hôm thứ Năm 23/6 để đối phó với việc nguồn cung của Nga giảm xuống, nhưng Đức chưa đi tới mức cho phép các công ty bán gas đổ gánh nặng về giá năng lượng tăng cao lên đầu khách hàng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Biện pháp nêu trên là bước leo thang mới nhất trong mối quan hệ đối đầu giữa châu Âu và Moscow kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Cuộc xâm lược cho thấy rõ mức độ phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt của Nga và mở màn cho việc khối này cuống cuồng tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Bước đi mới nhất của Đức chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng, báo hiệu với các công ty và hộ gia đình rằng sẽ có những đợt cắt cung cấp gas gây khổ sở. Nhưng nó cũng đánh dấu một sự chuyển hướng đáng kể của Đức, quốc gia đã cố công xây dựng mối quan hệ năng lượng bền chặt với Moscow từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay.

Trong tuần này, lượng cung khí đốt ít đi đã làm dấy lên cảnh báo rằng Đức có thể rơi vào suy thoái nếu nguồn cung của Nga ngừng hoàn toàn.

Nga lâu nay phủ nhận chuyện sự sụt giảm nguồn cung là có chủ ý, trong đó, hãng cung cấp gas quốc doanh Gazprom đổ lỗi cho việc họ gửi thiết bị đi bảo dưỡng nhưng chậm nhận lại, do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Điện Kremlin hôm 23/6 nói Nga "thực hiện nghiêm túc mọi nghĩa vụ của mình" đối với châu Âu.

Theo kế hoạch Giai đoạn 2, Berlin sẽ cung cấp dòng tín dụng 15 tỷ euro (15,76 tỷ USD) để bơm đầy các cơ sở tích trữ khí đốt và triển khai mô hình đấu giá khí đốt vào mùa hè này để khuyến khích hãng có quy mô công nghiệp hãy tiết kiệm khí đốt.

"Giai đoạn báo động" là giai đoạn 2 trong bản kế hoạch khẩn cấp gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 2 bắt đầu khi các nhà chức trách nhận thấy nguy cơ cao về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dài hạn. Nó bao gồm một điều khoản cho phép hãng bán gas có thể ngay lập tức đẩy gánh nặng giá gas cao cho ngành công nghiệp và hộ gia đình.

Đã có dự báo từ trước về việc Đức chuyển sang Giai đoạn 2 khi Gazprom giảm lượng gas chuyển qua đường ống Nord Stream 1 đi xuyên Biển Baltic xuống chỉ còn 40% công suất vào tuần trước.

Trong Giai đoạn 2, thị trường vẫn có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của nhà nước. Theo bản kế hoạch khẩn cấp, nhà nước sẽ bắt đầu can thiệp trong giai đoạn khẩn cấp cuối cùng.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo hôm 22/6 rằng Nga có thể cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu để tăng cường thế đòn bẩy chính trị của họ, thúc giục châu Âu chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Việc cắt giảm nguồn cung gas cũng khiến các công ty Đức phải suy nghĩ về việc cắt giảm sản lượng và sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm khi họ phải thích ứng với viễn cảnh không còn có khí đốt của Nga.

Liên hiệp châu Âu hôm 22/6 báo hiệu họ sẽ tạm thời chuyển sang sử dụng than đá để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng, đồng thời gọi việc Moscow cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của là "xấu chơi".

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG