Đường dẫn truy cập

World Bank: Việt Nam ‘cần thận trọng với rủi ro lạm phát’


Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đưa ra nhận định rằng dù kinh tế đang trên “đà phục hồi”, chính quyền Việt Nam “vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát”.

Trong bản báo cáo có tên gọi “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” ra ngày 12/6, World Bank viết rằng “nền kinh tế [Việt Nam] duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc, và điều kiện tài chính toàn cầu đang thắt chặt”.

Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế này cho rằng “các cấp có thẩm quyền vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra”.

Theo World Bank, lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tháng thứ tư liên tiếp, từ 2,6% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5/2022, tương đương với tỷ lệ lạm phát tháng 5/2021.

“Giá xăng và dầu diesel tăng vọt - tăng lần lượt đến 5,9% và 4,0% (so với tháng trước) - là yếu tố chính đóng góp vào lạm phát. Lạm phát giá lương thực, thực phẩm cũng nhích nhẹ từ 1,1% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4 lên 1,3% trong tháng 5”, Ngân hàng Thế giới nêu trong báo cáo mới nhất.

Báo điện tử VnExpress dẫn tin từ Tổng cục Thống kê cuối tháng trước nói rằng xăng dầu, lương thực, hàng hoá thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 5 tăng lên.

World Bank cho rằng chính quyền cần có “các biện pháp hỗ trợ tạm thời, trong đó có hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng”.

“Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên chính sách trợ giá tạm thời, có mục tiêu cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát”, World Bank viết trong bản cập nhật kinh tế tháng Sáu. “Bên cạnh đó, chính phủ nên khuyến khích đầu tư nhằm giúp tăng tổng cung”.

World Bank cũng cho rằng Việt Nam nên “khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng thay thế có thể sẽ giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG