Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam vừa ra chỉ thị với các cơ quan cấp dưới và các nhà xuất bản, đề nghị họ có nỗ lực giảm gánh nặng chi phí sách giáo khoa cho các học sinh và các gia đình.
Bản chỉ thị mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chính thức, đề ngày 10/6, nêu mục tiêu “tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần” và “không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập”.
Để đạt các mục tiêu đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc nhở các cấp dưới ở các sở, các phòng giáo dục và đào tạo về một thông tư của bộ trong đó có yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không được “ép buộc, vận động học sinh, cha mẹ học sinh” mua các loại sách tham khảo.
Vị bộ trưởng cũng yêu cầu các trường không vận động học sinh, cha mẹ học sinh mua các xuất bản phẩm nằm ngoài danh mục sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đạo tạo phê duyệt.
Bên cạnh đó, bản chỉ thị của bộ trưởng nói Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản sách giáo khoa liên quan phải có nỗ lực nhằm “tiết kiệm, giảm giá thành sách giáo khoa” và sau đó phải báo cáo với bộ về nỗ lực đó, cũng như về “phương án giảm giá thành sách giáo khoa trước khi phát hành hoặc tái bản”.
Chỉ thị của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn được ban hành sau khi vào cuối tháng 5 vừa qua, các bậc phụ huynh Việt Nam bất bình vì giá sách giáo khoa năm 2022 cao gấp 2, 3 lần so với năm trước.
Như VOA đã đưa tin, cùng với việc bày tỏ thái độ tức giận, nhiều người nêu ý kiến trên mạng xã hội rằng họ nghi ngờ rằng có các nhóm lợi ích và ngành giáo dục bắt tay nhau nâng giá sách, và họ đề nghị nhà chức trách điều tra.
Không có con số thống kê chính thức của Việt Nam về tổng giá trị của thị trường tiêu thụ sách giáo khoa hiện nay của đất nước, nhưng thị trường này được ước tính là lên đến hàng nghìn tỉ đồng, vì Việt Nam có khoảng 20 triệu học sinh và mỗi bộ sách có giá vài trăm nghìn đồng.
Theo quan sát của VOA, bản chỉ thị hôm 10/6 của Bộ trưởng Sơn nhận được sự hoan nghênh của nhiều người trên mạng xã hội, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng công văn chỉ là “vuốt đuôi” vì các trường học đã bán và thu tiền xong đối với sách giáo khoa của năm học 2022-2023, trước khi có chỉ thị.