Đường dẫn truy cập

Thủ tướng VN giao 2 bộ nghiên cứu việc giảm thuế đánh vào xăng dầu


Bảng giá được thay đổi tại một cây xăng vào chiều 1/6/2022. Ảnh chụp màn hình từ báo Thanh Niên.
Bảng giá được thay đổi tại một cây xăng vào chiều 1/6/2022. Ảnh chụp màn hình từ báo Thanh Niên.

Một phó thủ tướng và một bộ trưởng Việt Nam nói với Quốc hội của đất nước hôm 8/6 rằng các biện pháp để bình ổn giá xăng dầu đang được cân nhắc, trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đã lên đến mức kỷ lục và người dân bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát cao.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc điều chỉnh thuế suất các loại để giảm giá xăng dầu thuộc về thẩm quyền quyết định của Quốc hội, còn bộ của ông có vai trò “đánh giá, tham mưu”, theo tường thuật của báo chí trong nước.

Loại xăng có mức giá cao nhất hiện nay ở Việt Nam là hơn 31.500 đồng/lít. Trong giá này bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại phí khác. Tuy theo thời điểm tổng tiền thuế, phí chiếm từ 50% tới 64% giá bán xăng dầu, báo chí Việt Nam đưa tin.

Bộ trưởng Phớc chỉ ra rằng với thẩm quyền của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã duyệt việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay. Hiện tại, vẫn còn có thể giảm thuế này thêm 2.000 đồng/lít, ông Phớc nói, song ông lưu ý rằng theo luật, Thường vụ Quốc hội chỉ có quyền quyết định giảm thêm 1.000 đồng với loại thuế này.

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt, với thuế suất 10%; thuế nhập khẩu xăng dầu, 8%; và thuế giá trị gia tăng (VAT), 10%, việc sửa đổi, điều chỉnh là thuộc thẩm quyền Quốc hội. "Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", ông Phớc phát biểu.

Như VOA đã đưa tin, cũng như nhiều người đã bày tỏ qua mạng xã hội, giá xăng dầu tăng cao liên tục làm cho đông đảo người dân Việt Nam lo lắng, bất bình vì gánh nặng thuế, phí đẩy giá xăng dầu lên nhiều, ảnh hưởng đến đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp, không ít người cho rằng họ “ngày càng nghèo đi”.

Tuy giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore… song người dân cũng so sánh rằng giá của Việt Nam vẫn cao hơn Malaysia, Indonesia, Mỹ, Nhật… trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước nêu trên.

Cũng nói về vấn đề xăng dầu ngay trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phớc, một phó thủ tướng của Việt Nam, ông Lê Minh Khái, cho hay Thủ tướng Chính phủ “sẽ chỉ đạo” hai bộ Tài chính và Công thương “khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu”.

Giải pháp sẽ nhấn mạnh nhất vào việc “rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu”, với mục tiêu “kiểm soát” giá của mặt hàng này, vị phó thủ tướng nói, được báo chí trong nước dẫn lại.

Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Phớc lẫn Phó Thủ tướng Khái đều không đưa ra khung thời gian cụ thể cho giải pháp tiềm tàng nêu trên.

Nói rộng hơn về nạn lạm phát ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Khái khẳng định lạm phát trong 5 tháng đầu năm “cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới”.

Vị phó thủ tướng đưa ra thông tin là bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, trong khi CPI nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tăng cao như Indonesia là 2,8%, Thái Lan 5,19%, Philippines 4,06%, Hoa Kỳ 8,3%, Pháp 5,4%, Đức 7,8%, Tây Ban Nha 8,09%.

VOA Express

XS
SM
MD
LG