Trong lúc đi tìm phản ứng của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam trước củ cà-rốt kinh tế mới của Hoa Kỳ, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mới được công bố, tình cờ tôi xem được video toàn bộ cuộc nói chuyện của Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Đại học Havard.
Ông Chính phát biểu tại Trung tâm Ash về Quản trị dân chủ và Đổi mới của Đại học Havard, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 11-17/5.
Khả năng nói thay vì đọc diễn văn của ông thủ tướng, nhất là trong phần đầu bài nói chuyện, tương đối khá. Đây cũng là phần ông ví von về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối các nước đông nam Á ASEAN như đôi trai gái:
“Tôi có nói với các nhà lãnh đạo Mỹ [rằng] ASEAN với lại nước Mỹ như là một cô gái đẹp với một chàng trai khoẻ mạnh cần nhau.
“Tức là ASEAN rất năng động sáng tạo còn nước Mỹ thì hết sức là khoẻ mạnh, hết sức hùng mạnh về mặt kinh tế; thế nên là một chàng trai khoẻ mạnh thì rất cần một cô gái đẹp và dịu dàng để chăm sóc và kết duyên với nhau.”
Hoa Kỳ hùng mạnh về kinh tế là điều không phải bàn cãi nhưng liệu ASEAN có phải là “cô gái đẹp và dịu dàng” không thì còn phải tranh cãi nhiều.
Với việc Myanmar không có mặt tại thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN tại thủ đô Washington trong tháng Năm vì cuộc đảo chính của phe quân đội, dân chủ ở Thái Lan và Campuchia còn nhiều vấn đề trong khi Việt Nam vẫn có những chính sách vô cùng hà khắc với những ai dám công khai chỉ trích chính quyền, cô gái ASEAN khó có thể coi là dịu dàng.
Ngoài ra xem ảnh chụp lãnh đạo các nước ASEAN với Tổng thống Hoa Kỳ, người ta thấy toàn đàn ông cả, chẳng có nhà lãnh đạo nữ nào trong đó. Còn bản thân Việt Nam, tôi đã từng viết blog ‘Đại hội 13: Mười bảy ông sao có mỗi một bà’.
Trên thực tế lãnh đạo nữ có tiếng của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã bị phe quân đội lật đổ hồi tháng 2/2021. Bảy năm trước đó nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra của Thái Lan cũng bị phe quân đội đảo chính.
Nhưng dù ASEAN chẳng phải gái đẹp dịu dàng, Hoa Kỳ vẫn cần tới khối này để duy trì vị trí hàng đầu của mình trên thế giới trong tương quan với Trung Quốc. ASEAN hiện là đối tác thương mại đứng thứ 10 của Hoa Kỳ và Washington muốn cải thiện quan hệ thương mại thêm nữa với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gọi tắt là IPEF.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định rằng IPEF không béo bở gì với ASEAN vì nó không bao gồm việc giảm thuế nhập khẩu cho các mặt hàng của ASEAN vào Hoa Kỳ. Các nước ASEAN sẽ luôn cân nhắc lợi ích mà họ có được trong cuộc chơi với Washington và sự chọc giận Bắc Kinh khi tham gia các khuôn khổ kinh tế mà Trung Quốc bị cho ra rìa. Bởi vậy Việt Nam được cho là chưa muốn đẩy quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên thêm nữa trong bối cảnh cuộc chiến Nga – Ukraine và giữa lúc củ cà-rốt IPEF chưa đủ to.
Trở lại cuộc gặp của ông Phạm Minh Chính tại Trung tâm Ash ở Đại học Havard, dù hết sức nhã nhặn nhưng chuyên gia David Dapice từ Chương trình Việt Nam tại Trường Kennedy cũng thúc giục Việt Nam dành không gian cho dòng chảy thông tin và thảo luận ở Việt Nam. Ông cũng nói khu vực tư nhân của Việt Nam nên được tham gia vào cả lĩnh vực phân phối điện để giảm tình trạng tiêu thụ điện lãng phí vào hàng nhất thế giới hiện nay của Việt Nam.
Một điều nữa cũng được ông Dapice cảnh báo là khả năng Việt Nam sẽ xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhiều hơn so với nhập khẩu chừng 100 tỷ đô la trong năm nay. Trong quá khứ việc Việt Nam xuất siêu lớn vào Hoa Kỳ đã từng gây ra căng thẳng trong quan hệ.
Ngay trước chuyến thăm của ông Chính tới Hoa Kỳ, Hà Nội đã trả tự do cho nhà hoạt động Hồ Đức Hoà, người khi đó đang thụ án 13 năm tù. Nhưng danh sách những người đang bị giam cầm vì thể hiện chính kiến của họ vẫn còn dài. Trong phần phát biểu khá ấn tượng của mình cũng tại cuộc gặp tại Trung tâm Ash, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói Việt Nam có tiếp thu lời khuyên từ các chuyên gia Hoa Kỳ rằng “chính sách của chính phủ phải mang lại hạnh phúc cho người dân”. Có lẽ Việt Nam đã bổ sung thêm “trừ những người bất đồng chính kiến”.