Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 26/5 nói rằng quyết định tham gia vào sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) do Hoa Kỳ khởi xướng sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc thảo luận, mà trong đó sẽ làm rõ các nội hàm của IPEF.
Trước đó, vào ngày 23/5, Nhà Trắng công bố khởi động sáng kiến kinh tế rất được mong đợi, cùng với hàng chục đối tác ban đầu là Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tất cả các nước trên gộp lại chiếm 40% GDP toàn cầu.
Buổi lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản có sự tham dự trực tuyến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
“Xin nhắc lại đây là sự kiện khởi động cho quá trình thảo luận”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói khi được hỏi về việc thủ tướng tham gia sự kiện có đồng nghĩa với việc Việt Nam tham gia IPEF hay có kế hoạch cụ thể cho việc tham gia hay không.
“Việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm.
IPEF được xem như là một nỗ lực nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc cựu Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà giờ được đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhận định về mức độ hưởng lợi của các nước thành viên IPEF, ông Ted Kemp của đài CNBC hôm 24/5 cho biết một số quốc gia phát triển hơn như Hàn Quốc, Japan, Singapore có thể thu được nhiều lợi ích hơn, nhưng những quốc gia khác đang phát triển như Indonesia, Việt Nam và Philippines có thể chưa thấy được lợi ích tức thời.
Tại cuộc họp báo ngày 26/5, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong quá trình thảo luận về IPEF, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột là: Thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.
Theo bà Hằng, những nội hàm này nhằm đem lại chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng tới một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và cho toàn thế giới.
“Việt Nam cho rằng, IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế đã có”, tờ Lao Động dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam là “xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ” và “chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả”.