Việt Nam gặp thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%-6,5% trong năm nay, do những khó khăn của nền kinh tế và tình trang phục hồi toàn cầu chậm hơn dự kiến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội hôm 23/5.
Tổng sản phẩm quốc nội tăng 5,03% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó, nhanh hơn mức tăng 4,72% trong cùng kỳ năm ngoái, khi quốc gia Đông Nam Á mở cửa trở lại nền kinh tế dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu sau khi nới lỏng các hạn chế về đại dịch.
Theo lời Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đà tăng trưởng của Việt Nam đang gặp khó khăn vì tình trạng phục hồi toàn cầu chậm lại do tác động của đại dịch, xung đột Ukraine-Nga, áp lực lạm phát và giá dầu tăng.
Ông Thành cho biết một số chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn trong khi các công ty vẫn phải đối mặt với chi phí đầu vào cao.
“Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% là thách thức rất lớn”, tờ Thời Báo Ngân Hàng dẫn lời phó thủ tướng Việt Nam nói.
Việt Nam sẽ thực hiện “các biện pháp linh hoạt” để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, phó thủ tướng Việt Nam nói. Trong đó, các biện pháp được đề cập đến bao gồm: tập trung kiểm soát dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác; đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; thực hiện các nghị quyết về vấn đề đất đai, trong đó có việc “khẩn trương” hoàn thiện việc sửa đổi Luật Đất đai 2013; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng...
Giá tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 4 đã tăng 2,64% so với một năm trước đó, dẫn đến việc tăng chi phí vận chuyển, thực phẩm và xây dựng.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc đạt được mức tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022 5,03% là một “nỗ lực lớn”, nhờ dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi.
Ông Thành cho biết trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.