Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 4/5 đã đưa ra hàng loạt câu hỏi và yêu cầu liên quan đến vấn đề đất đai khi phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII.
"Tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...", báo Thanh Niên dẫn hàng loạt câu hỏi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong đặt ra trong bài phát biểu.
Ông Trọng cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải tìm ra những nguyên nhân về chủ trương, chính sách và bất cập trong Luật Đất đai năm 2013, đồng thời đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.
Tuy nhiên, người đứng đầu đảng Cộng sản cũng nhắc nhở các cơ quan chức năng phải chú ý đến những “vướng mắc” và “bức xúc” trong xã hội.
“Chẳng hạn như: Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất”, ông Trọng đề cập đến Điều 4 Luật Đất đai 2013, một trong những vấn đề nổi cộm trong chính sách đất đai vốn bị các nhà phê bình phản đối mạnh mẽ và cho là nguồn gốc của những tranh chấp, xung đột liên quan đến đất đai tại Việt Nam.
Hồi tháng 5/2021, khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn sẽ trình Quốc hội khóa XV để nhanh chóng sửa đổi bộ luật này.
“Sửa luật đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ”, ông Phạm Bình Minh nói, và thêm rằng “Dự kiến, luật này sẽ trình ra Quốc hội khóa XV, trong cuối năm nay hay đầu năm sau”.
Tranh chấp về đất đai giữa nhà nước và người dân đã trở thành một trong những vấn đề nóng của Việt Nam trong nhiều năm qua, dẫn đến những vụ cưỡng chế gây thương tích, thậm chí chết người như các vụ ở Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Dương Nội…
Trong báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói vấn đề tranh chấp liên quan đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển vẫn là nguyên nhân khiếu kiện lớn của công chúng Việt Nam.
“Nhà cầm quyền đã bắt và kết án nhiều người biểu tình về quyền đất đai với tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ hoặc ‘gây rối trật tự công cộng’”, báo cáo của Mỹ nêu.
Ngoài vấn đề đất đai, hội nghị Trung ương của Việt Nam cũng sẽ bàn thảo về các đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…