Cuối tuần vừa qua, tại kỳ họp lần hai của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương (HĐ TĐKT TƯ) ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng kiêm Chủ tịch hội đồng này chỉ đạo: “Công tác thi đua khen thưởng phải sáng tạo hơn, thiết thực hơn, đi đúng trọng tâm, trọng điểm... Tránh vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật” (1).
Chưa rõ trong... “thi đua, khen thưởng” tại Cộng hòa XHCN Việt Nam, thế nào là... “sáng tạo hơn, thiết thực hơn” và nếu không... “đi đúng trọng tâm, trọng điểm”, tiếp tục xảy ra tình trạng... “vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật” thì... sao (?), tuy nhiên tường thuật về kỳ họp vừa đề cập cho thấy, ông Chính dường như hoàn toàn vô can.
Nếu Chủ tịch HĐ TĐKT TƯ – đã không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi Công ty Việt Á được tặng... “Huân chương Lao động hạng Ba” vì “nghiên cứu – sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19” (2) và “tập thể Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao” cũng được trao... huân chương y hệt như thế nhờ... “tổ chức những chuyến bay ‘giải cứu’ để đưa công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu về nước” (3) thì tất nhiên, Thủ tướng cũng vậy dù chính ông, trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo điều kiện cho điều này xảy ra thông qua chính sách “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng”.
***
Dẫu hậu quả của việc “nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh” bộ xét nghiệm COVID-19 dán nhãn Công ty Việt Á là đặc biệt nghiêm trọng nhưng đến giờ, việc xem xét trách nhiệm chỉ mới chạm nhẹ vào hai cá nhân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng, hoặc đang là Bộ trưởng (ông Nguyễn Thanh Long), hoặc từng là cựu Bộ trưởng (ông Chu Ngọc Anh). Cả hai Ủy viên BCH TƯ đảng này chỉ mới bị hệ thống chính trị... “đề nghị cảnh cáo” (4) và vì hệ thống công quyền chưa hành động nên vẫn đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Y tế hoặc Chủ tịch thành phố Hà Nội. Không có bất kỳ cá nhân hoặc cơ quan hữu trách nào đề cập đến trách nhiệm của ông Chính!
Vì sao đã có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, hoạt động sản xuất và phân phối bộ xét nghiệm COVID 19 dán nhãn Công ty Việt Á không thể gây hậu quả nghiêm trọng như thế nếu không có chủ trương... “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng” và ông Chính không “tả xung, hữu đột”, đốc thúc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương phải thực thi nghiêm túc chủ trương này, phớt lờ khuyến cáo của nhiều người, nhiều giới (“thần tốc xét nghiệm trên diện rộng” vừa không thể đem lại hiệu quả mong muốn, gia tăng nguy cơ lây nhiễm, vừa lãng phí, làm cho doanh giới, quốc gia thêm kiệt quệ vì chi phí quá lớn)... mà ông Chính không phải chịu trách nhiệm nào cả?
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch - Dịch vụ hàng không An Bình không thể “đưa hối lộ” cho một Thứ trưởng Ngoại giao, bốn viên chức lãnh đạo Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, một Chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế, một... “cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an” nếu cuối tháng 4/2021, ông Chính không ban hành Công điện số 540/CĐ-Ttg yêu cầu năm bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, Giao thông – Vận tải) “giám sát, quản lý chặt chẽ công tác tổ chức chuyến bay, đảm bảo tần suất, đối tượng và số lượng người, chuyến bay theo kế hoạch được duyệt, phù hợp khả năng tiếp nhận trong nước” (5).
Công điện số 540/CĐ-Ttg không chỉ tạo điều kiện cho Cục Lãnh sự kiếm tiền nhờ phê duyệt các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài có thêm cơ hội “bóp cổ” công dân Việt Nam bằng việc đẻ ra thêm đủ loại thủ tục trong việc duyệt cho từng cá nhân được lên những chuyến bay ấy để hồi hương (ví dụ buộc phải trả lệ phí... “hợp thức hóa lãnh sự thẻ chích ngừa” (dịch và chứng thực thẻ chích ngừa, nếu đương sự tự dịch thì phải trả lệ phí chứng thực thẻ chích ngừa của ngoại quốc được... dịch đúng), mà còn giúp chính quyền các địa phương, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú hốt bạc.
Vì sao công an Việt Nam chỉ điều tra việc “đưa và nhận hối lộ” trong phê duyệt các chuyến bay của Cục Lãnh sự mà không đả động gì đến trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao ở bên ngoài Việt Nam trong xét duyệt những trường hợp cần hồi hương, cũng như trách nhiệm của chính quyền một số địa phương - theo Công điện số 540/CĐ-Ttg có quyền tiếp nhận hay từ chối cho các chuyến bay đưa người hồi hương hạ cánh, đính kèm việc “tiếp nhận” là chỉ định nơi “bắt buộc cách ly” với mức phí rất cao? Có “đưa và nhận hối lộ” trong “tiếp nhận” những chuyến charter (doanh nghiệp nào đó làm thủ tục bao nguyên chuyến rồi bán lẻ từng chỗ) và chỉ định nơi “bắt buộc cách ly” hay không?
Ai cũng biết, chi phí hồi hương bằng đường hàng không khi đại dịch còn hoành hành tăng trung bình từ bốn lần đến hơn mười lần, không ít trường hợp phải trả hàng chục ngàn Mỹ kim vì ngoài số tiền phải trả cho chuyến bay, còn bị buộc phải cách ly tại những cơ sở lưu trú sang trọng với chi phí lưu trú rất cao như... hệ thống Vinpearl của Vingroup. Chẳng hạn quảng cáo trên travel.com.vn về chuyến bay hồi hương khởi hành từ Paris (Pháp) ngày 10/11/2021, tạm ngừng tại Seoul (Nam Hàn), đến Cam Ranh ngày 12/11/2021, cho biết, chi phí do phải cách ly 8 ngày – 7 đêm tại Vinpearl Condotel Empire Nha Trang là 89 triệu đồng/người lớn, 85 triệu đồng/trẻ em (6)!..
***
Trung tuần tháng 12 năm ngoái, một số viên chức hữu trách trong lĩnh vực hàng không, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch đồng thanh đề nghị “chấm dứt những ‘chuyến bay hồi hương’ nhằm trục lợi và sớm mở lại các đường bay thương mại theo thông lệ quốc tế” (7). Lúc đó, Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không của Bộ GTVT thừa nhận: Kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế chở khách đến Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 7/2020 nhưng đến nay (12/2021) cứ “dập dình”.
Ông Cường không đề cập nhưng rõ ràng, chuyện mở lại các chuyến bay quốc tế chở khách đến Việt Nam “dập dình” vì Công điện số 540/CĐ-Ttg mà Thủ tướng Việt Nam gửi các nơi hồi tháng 4/2021. Công điện này đã trở thành... “cơ sở pháp lý” để chính quyền các địa phương tự do đặt định đủ loại yêu cầu, biến các “chuyến bay hỗ trợ” với chi phí tương đối hợp lý vì cách ly tại các cơ sở do quân đội điều hành thành charter – “chuyến bay combo” (gộp cả chi phí vận chuyển lẫn chi phi cách ly nâng tổng chi phí hồi hương lên từ vài lần đến hàng chục lần), tới mức những người có trách nhiệm không thể kiềm chế mà phải tố cáo đó là “trục lợi từ nỗi bĩ cực của đồng bào”...
Mọi thứ chỉ trở lại gần như bình thường sau khi Công an Việt Nam khởi tố vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Tại sao toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền “có tai như điếc, có mắt như mù” khi 200.000 công dân trở thành nạn nhân của khoảng 800 chuyến bay được ví von là... “giải cứu” kêu như... bọng? Đó là chưa kể đến hàng triệu người mà sinh kế gắn liền với hoạt động của các lĩnh vực hàng không, lưu trú, vận chuyển, ăn uống,... cùng với gia đình của họ bị biến thành nạn nhân do du lịch, thương mại tê liệt. Chỉ nhắm vào Cục Lãnh sự và Công ty Thương mại - Du lịch - Dịch vụ hàng không An Bình liệu có thỏa đáng?
Giống như scandal Việt Á – hoàn toàn không hề hấn gì dù chỉ đạo và đốc thúc thực hiện “thần tốc xét nghiệm trên diện rộng”, Thủ tướng Việt Nam lại hoàn toàn vô can trong scandal “giải cứu”, cho dù rõ ràng Công điện số 540/CĐ-Ttg đã tạo ra mớ bùng nhùng như đã thấy. Có phải nhờ vậy, những viên chức lãnh đạo một số bộ trong “Tổ công tác năm bộ” (Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, Giao thông – Vận tải) chịu trách nhiệm phối hợp xem xét – phê duyệt – giám sát các chuyến bay hồi hương, chính quyền một số địa phương đã giúp các “chuyến bay combo” thành công tốt đẹp,... có thể phủi sạch trách nhiệm?
Chú thích
(2) https://tienphong.vn/cong-ty-viet-a-duoc-tang-huan-chuong-lao-dong-se-xu-ly-the-nao-post1405063.tpo