Các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan hàng hải tới từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan vừa có buổi họp nhằm hợp tác và mở rộng quan hệ đối tác thực thi pháp luật trên biển trong khuôn khổ Diễn đàn Tư lệnh thuộc Sáng kiến Thực thi pháp luật trên biển Đông Nam Á.
Theo đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 14/4, phát biểu tại hội nghị, Chuẩn Đô đốc Peter Gautier, Phó Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ Khu vực Thái Bình Dương nói rằng “hợp tác quốc tế và liên chính phủ đóng vai trò cốt yếu trong việc bảo vệ các vùng duyên hải và các vùng biển chung của chúng ta”.
Cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ cũng trích lời ông Gautier nói thêm rằng “các diễn đàn như thế này rất cần thiết trong việc nâng cao năng lực phối hợp của chúng ta để phát hiện các hành vi bất hợp pháp trên biển, thúc đẩy quản trị và thực thi pháp luật biển một cách có hiệu quả, đồng thời góp phần xây dựng năng lực và khả năng”.
Phía Hoa Kỳ cho biết rằng mục đích của diễn đàn thường niên là tăng cường ổn định khu vực bằng cách thúc đẩy an toàn hàng hải, hợp tác an ninh, điều phối và chia sẻ thông tin.
Theo Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ Khu vực Thái Bình Dương, năm nay, diễn đàn tập trung vào vấn đề chống buôn bán ma túy, đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và việc sử dụng các công cụ nâng cao nhận thức hàng hải một cách chiến lược để chống lại những mối đe dọa này cũng như các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia khác.
Tin cho hay, tại diễn đàn, đại diện của mỗi quốc gia thành viên đã chia sẻ các ưu tiên an ninh hàng hải chính của họ và nêu ra những thách thức mà họ đang phải đối mặt với buôn bán ma túy xuyên quốc gia, đánh bắt trái phép và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Tin cho hay, về các vấn đề khu vực, ông Sơn và ông Knapper “đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982” cũng như “nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là các cơ chế của ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mekong”.