Đường dẫn truy cập

Điện Kremlin: Đàm phán Nga-Ukraine có thể bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Ba


Phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov.

Điện Kremlin vừa cho biết các cuộc hoà đàm giữa Nga và Ukraine có thể được tiến hành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Ba (29/3) và điều quan trọng là chúng sẽ diễn ra trực tiếp, sau những gì được mô tả là thiếu tiến bộ lớn trong đàm phán cho đến nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí trong một cuộc điện đàm hôm Chủ nhật để Istanbul tổ chức cuộc đàm phán, mà Ankara hy vọng sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào thứ Hai, nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng điều đó khó xảy ra vì các nhà thương thuyết mới chỉ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Hai.

“Mặc dù chúng tôi không thể và sẽ không nói về tiến độ của các cuộc đàm phán, nhưng tất nhiên, việc chúng tiếp tục diễn ra trực tiếp là điều quan trọng”, ông Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

“Chúng tôi tuân thủ chính sách không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về cuộc đàm phán, điều mà chúng tôi cho rằng chỉ có thể làm tổn hại đến quá trình đàm phán”, người phát ngôn Điện Kremlin nói.

Ông Peskov nói thêm rằng không có tiến triển lớn nào đạt được trong các cuộc đàm phán, hoặc trong ý tưởng về một cuộc gặp có khả năng diễn ra giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Ông nói: “Thật không may, chúng tôi không thể thấy bất kỳ thành tựu hoặc đột phá đáng kể nào (trong các cuộc đàm phán) cho đến nay”.

Trong các bình luận riêng biệt, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ phản tác dụng nếu nó được tổ chức ngay bây giờ. Ông nói rằng họ nên gặp nhau khi các bên đạt được tiến bộ.

“Một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelenskyy là cần thiết ngay thời điểm mà chúng tôi sắp giải quyết được tất cả các vấn đề quan trọng”, Ngoại trưởng Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Serbia.

Nga đã đưa gửi hàng chục ngàn binh sĩ vào Ukraine hôm 24/2 trong chiến dịch mà họ gọi là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và loại bỏ những người mà họ gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Các lực lượng Ukraine đã kháng cự mạnh mẽ, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga trong nỗ lực buộc nước này phải rút lực lượng của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG