Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/3 bác bỏ thông tin cho rằng Việt Nam đã triển khai công tác bảo hộ công dân chậm cũng như có sự phân biệt đối xử, tiêu cực trong việc đưa công dân Việt Nam sơ tán khỏi Ukraine về nước.
“Trong bối cảnh tình hình diễn biến hết sức nhanh và phức tạp, các Bộ, ngành và các cơ quan đại diện tại địa bàn đã hết sức nỗ lực, khẩn trương hỗ trợ, giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc cho bà con, hoàn thành sớm nhất các thủ tục cần thiết để đưa bà con về nước, đảm bảo công khai, minh bạch, ưu tiên các đối tượng người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người bệnh, người khuyết tật”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến bài viết của VOA trước đó.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói ngay khi xuất hiện những diễn biến căng thẳng xung quanh tình hình ở Ukraine, thì Thủ tướng Việt Nam đã ban hành Công điện về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine vào ngày 26/2, tức 2 ngày sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine.
Trong khi tình báo Mỹ đã đưa ra cảnh báo về chiến tranh trước đó nhiều tuần lễ và Hoa Kỳ cùng nhiều nước phương Tây đã sơ tán công dân và nhân viên đại sứ quán, thì Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Hồng Thạch, cho đến ngày 25/2 vẫn trả lời Đài Truyền hình Quốc hội Việt Nam rằng “Đại sứ quán đánh giá là tình hình cũng sẽ không diễn biến xấu hơn”, và “nhiều khi tâm lý xáo trộn là từ Việt Nam sang. Ở nhà nhiều khi giục giã quá, khiến bà con bên này hoang mang”.
Trước đó, hôm 15/2, ông Nguyễn Hồng Thạch khẳng định với báo Tuổi Trẻ rằng Việt Nam sẽ không sơ tán công dân ở Ukraine như các nước phương Tây, sau khi đưa ra đánh giá về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine chỉ ở mức 1/1.000.
Theo quan sát của VOA, trong suốt tuần lễ đầu tiên của cuộc chiến, rất nhiều người Việt ở Ukraine đã lên tiếng kêu cứu và phàn nàn về sự chậm trễ trong trách nhiệm giúp đỡ công dân của đại sứ quán.
“Về quan điểm của em là sứ quán Việt Nam ở UCraina trong trường hợp này xử lý hơi chậm chạp, bởi vì ở UCraina đồng bào ta không riêng gì ở Kieb Odessa Kharkov mà có cả những công dân ở Donhess Lugansk thậm chí có người vẫn đang ở trong vùng chiến sự, nhưng sứ quán vẫn bình thản, không có một hướng dẫn hay thông tin gì cho bà con cho đến giờ phút này là các anh ấy hơi chủ quan”, tài khoản tên Dinha Duong nhận xét.
Thậm chí có những bình luận khá nặng nề về cách làm việc của đại sứ quán Việt Nam, chẳng hạn tài khoản Dao Nhat Quang cho rằng “Sứ quán Việt Nam lúc nào cũng bình thản như vậy, trừ lúc dính đến tiền”, hay tài khoản Nguyen Hoang Linh viết rằng “(sứ quán) đang bận xét duyệt vé cứu trợ, không có thời gian lo việc khác”.
Nhận định về việc xử lý của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Ukraine, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh từ Hungary cho rằng cơ quan đại diện của Việt Nam “có lẽ cũng bất ngờ hay sao đó” nên dẫn đến việc xử lý chậm.
“Rõ ràng đúng là thời điểm đó là thời điểm nóng bên Ukraine. Đâu đâu cũng nói đến chuyện chiến tranh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian có khả năng là rất sớm, nhưng đúng là phía Việt Nam thì phần dự báo hay hỗ trợ, thông báo cho người Việt ở bên đó tôi nghĩ riêng về mặt đó, ở thời điểm đó, thì cũng có nhiều bị động hoặc vì sao đó mà không triển khai được sớm những công tác này”, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh nói.
Tuy nhiên, nhà báo đã tham gia vào công việc cứu trợ người dân từ Ukraine di tản sang Hungary cũng ghi nhận “điểm son” của đại sứ quán Việt Nam ở Ukraine trong việc hỗ trợ giấy tờ và tổ chức các chuyến bay đưa những người có nhu cầu về nước, sau khi phần lớn người Việt đã di tản sang các quốc gia thứ ba.
Theo lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam cho đến nay đã tổ chức được 6 chuyến bay đưa khoảng 1.200 người Việt Nam về nước an toàn.
Phản hồi về những thông tin cho rằng có sự phân biệt đối xử, tiêu cực trong việc đưa công dân Việt Nam về nước, bà Hằng nói trong quá trình tổ chức công tác này đã nảy sinh các tình huống như bà con thay đổi quyết định, lựa chọn hướng di chuyển riêng hoặc có tâm lý chờ đợi quay lại Ukraine khi tình hình chiến sự chấm dứt; một số công dân không có đầy đủ giấy tờ, giấy tờ thất lạc hoặc đã hết hạn cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan đại diện.
Bà khẳng định các cơ quan đại diện Việt Nam đã hết sức nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, các hội đoàn người Việt tại địa phương khắc phục các khó khăn, liên tục cập nhật thông tin, nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh, tổ chức sơ tán bà con ra khỏi vùng chiến sự và đưa về nước an toàn.