Ngày 9/3, khi chia sẻ thông tin về vụ pháo kích của Nga vào một bệnh viện nhi đồng ở Mariupol khiến nhiều trẻ em và sản phụ thương vong, Tổng thống Volodymyr Zelensky viết trên trang Twitter: “Người dân, trẻ em bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Thật tàn bạo! Hãy đóng cửa bầu trời ngay bây giờ! Đừng giết người nữa! Ông có quyền lực nhưng có lẽ ông đang đánh mất dần nhân tính”.
Trước đó, hôm Chủ nhật, khi đưa tin thành phố Vinnytsia bị tám tên lửa của quân đội Nga tấn công, ông Zelenskyy cũng yêu cầu: “Chúng tôi lặp lại mỗi ngày ‘Hãy đóng cửa bầu trời Ukraine!’”.
Yêu cầu “đóng cửa bầu trời” hay thiết lập vùng cấm bay gần như được nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra hầu như mỗi khi ông có dịp xuất hiện kể từ ngày 28/2, giữa bối cảnh số người thiệt mạng tại Ukraine ngày càng tăng và hơn 2 triệu thường dân đã phải sơ tán khi các lực lượng Nga tăng cường pháo kích tấn công vào thủ đô Kyiv và chiếm một số khu vực phía đông nam nước này.
Tuy nhiên, bất chấp lời cầu xin khẩn thiết của Tổng thống Zelenskyy, NATO cho đến lúc này vẫn giữ nguyên quyết định, nói “Không” đối với yêu cầu này, trong khi vẫn tiếp tục có những hỗ trợ khác cho Ukraine và các đồng minh ở Đông Âu.
Vậy vùng cấm bay là gì? Tại sao Ukraine cần nó đến vậy? Và vì sao NATO nhất mực nói không?
Vùng cấm bay là gì?
Vùng cấm bay nghĩa là hạn chế không phận, cấm tất cả máy bay bay qua một khu vực xác định. Các khu vực cấm bay từng được sử dụng trong một số cuộc xung đột trước đây để bảo vệ thường dân, bằng cách ngăn các nước bay vào bên trong không phận quốc gia của họ. Ở mức độ tối đa, vùng cấm bay không chỉ cấm máy bay mà còn cấm cả tên lửa.
Giáo sư Peter Harris của khoa Chính trị tại Đại học bang Colorado, giải thích với Al Jazeera rằng “Trong trường hợp này, điều mà mọi người đang thảo luận là không gian được chỉ định bên trong Ukraine – có lẽ là toàn bộ Ukraine – sẽ cấm sử dụng máy bay quân sự, đặc biệt là máy bay quân sự của Nga trong vùng trời đó”.
Ông Harris nói việc thiết lập khu vực cấm bay sẽ đòi hỏi phá huỷ những hệ thống phòng không của Nga mà có thể tiếp cận các phản lực cơ của NATO ở Ukraine và đe dọa bắn hạ máy bay Nga trên đất nước này”.
“Đó sẽ là một sự leo thang khá gay gắt của NATO”, Giáo sư Harris nói thêm.
Thiết lập vùng cấm bay cần gì?
Việc thiết lập các khu vực cấm bay kèm theo nhiều đòi hỏi khắt khe về mặt hậu cần, chẳng hạn như phải tuần tra trên không liên tục cùng các máy bay, thiết bị và nhân lực hỗ trợ.
Trong tình huống ở Ukraine, Mỹ và NATO có thể sẽ phải đối mặt với một nước Nga không sẵn sàng tuân thủ vùng cấm bay, và theo Wall Street Journal, với lực lượng không quân khá hùng hậu vẫn đang tiếp tục điều máy bay qua Ukraine, Nga có thể sẽ nhắm mục tiêu vào các máy bay đang tuần tra trong vùng cấm bay.
Theo ước tính của các quan chức Mỹ và NATO, việc áp đặt vùng cấm bay sẽ cần tới vài trăm máy bay và sự phối hợp của lực lượng không quân từ nhiều quốc gia trong liên minh 30 quốc gia.
Các máy bay chiến đấu hàng đầu của Mỹ, chẳng hạn như F-22 Raptor, F-35 Lightning II và F-15 Eagle, sẽ cần phải đưa vào vùng chiến sự cả ngày lẫn đêm, cùng với các máy bay tiếp liệu trên không. Đội ngũ dưới đất sẽ phải đóng quân gần đó. Các máy bay tấn công điện tử có lẽ cũng sẽ được gửi đến để phá vỡ và gây nhiễu các radar của Nga để tránh bị phát hiện và nhắm mục tiêu.
“Lá chắn thép” Patriot và các hệ phòng thủ tên lửa khác cũng sẽ phải được triển khai để bảo vệ các máy bay của Mỹ và đồng minh trong vùng cấm bay khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Ngoài ra, để trấn áp sức mạnh của không quân Nga, đòi hỏi phải có một số lượng lớn máy bay và tên lửa SAM. Trong khi Không quân Hoa Kỳ là lực lượng lớn nhất trên thế giới có hơn 2.200 chiến đấu cơ, máy bay ném bom và máy bay tấn công, các lực lượng không quân châu Âu lại nhỏ hơn đáng kể. Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh có 234 máy bay có khả năng chiến đấu, trong khi lực lượng không quân của Ba Lan, một thành viên NATO có biên giới với Ukraine, chỉ có 94 chiếc, theo Time.
Vì sao Ukraine khẩn thiết yêu cầu vùng cấm bay?
Hai tuần sau cuộc xâm lược vô cớ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine, thường dân sống ở các vùng phía bắc và phía đông của Ukraine đang phải hứng chịu các cuộc không kích suốt ngày đêm bằng tên lửa đạn đạo từ các lực lượng Nga.
Cho tới nay, quân đội Nga đã phóng hơn 600 tên lửa và rất nhiều tên lửa trong số này trúng vào các trung tâm dân cư, giết chết hàng trăm, có thể là hàng ngàn, người Ukraine vô tội.
Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hỏa lực quân sự để hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng Mỹ và các quốc gia thành viên NATO đã đưa 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không Stinger tới Ukraine.
Mỹ và Ba Lan thậm chí đang xem xét khả năng đạt được một thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine vì các phi công của không quân Ukraine vốn quen thuộc với các máy bay phản lực thời Liên Xô cũ.
Hôm 8/3, Ba Lan thông báo sẽ giao tất cả các chiến đấu cơ MiG-29 cho Mỹ để chuyển cho quân đội Ukraine. Ngược lại, Ba Lan mong muốn Mỹ bù lại bằng các máy bay F-16 của Mỹ.
Mặc dù có sự hỗ trợ to lớn từ phía châu Âu và Mỹ, nhưng nhiều nhà phân tích quân sự lo ngại rằng sự kháng cự cứng rắn của Ukraine cuối cùng cũng sẽ bị sụp đổ dưới sức mạnh của quân đội lớn hơn nhiều của Nga, vốn được xem là một trong những lực lượng đáng gờm nhất trên thế giới.
So sánh lực lượng, theo dữ liệu mới nhất từ Báo cáo Cân bằng Quân sự năm 2022 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Moscow hiện có hơn 900.000 quân, trong khi Kyiv có 196.000 quân nhân tại ngũ. Không quân Nga có khoảng 1.172 máy bay có khả năng chiến đấu, trong khi Ukraine chỉ có 172 chiếc.
Chênh lệch lực lượng quá lớn khiến cho Ukraine khó có thể ngăn cản các máy bay và tên lửa của Nga đang liên tục bắn phá các lực lượng quân sự và các thành phố của nước này. Chính vì vậy, không chỉ Tổng thống Zelenskyy, mà hầu hết các nhà lãnh đạo của Ukraine đều cầu xin Mỹ hoặc các đồng minh áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine để bảo vệ thường dân khỏi các cuộc không kích của Nga.
Yêu cầu này cũng nhận được sự ủng hộ của công chúng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, một cuộc thăm dò gần đây của Reuters cho thấy 74% số người được hỏi ủng hộ NATO áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine.
Tại sao NATO nói ‘không’?
Bên cạnh những thách thức về mặt hậu cần của việc áp đặt vùng cấm bay, các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và NATO cho rằng việc thực thi vùng cấm bay sẽ đề ra nguy cơ lôi kéo phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Nga, điều mà chính quyền Biden và NATO đã tuyên bố từ nhiều tháng trước khi Nga tấn công Ukraine và vẫn đang cẩn trọng để tránh khỏi.
Mặc dù quân đội Nga bây giờ được xem là nhỏ hơn so với quốc gia cộng sản Liên Xô cũ, nhưng nước này vẫn kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
“Thiết lập một vùng cấm bay, về cơ bản, nó đòi hỏi quân đội Mỹ phải bắn hạ máy bay Nga và gây ra một cuộc chiến trực tiếp tiềm tàng với Nga, đó chính xác là bước đi mà chúng tôi muốn tránh”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trả lời về yêu cầu của Ukraine.
Trong khi đó, NATO lặp lại nhận định của chính quyền Mỹ rằng việc thực thi vùng cấm bay sẽ khiến liên minh quân sự phải đối đầu trực tiếp với Nga.
“Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói sau cuộc họp của khối này vào tuần trước. “Với tư cách là đồng minh NATO, chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến này leo thang ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine, bởi vì điều đó sẽ còn nguy hiểm hơn, tàn khốc hơn và sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn nữa cho con người”.
Nga nói gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây không nên xem xét vùng cấm bay đối với Ukraine, và rằng điều này đồng nghĩa với tham gia vào cuộc chiến.
“Bất kỳ động thái nào theo hướng này sẽ được chúng tôi xem như là quốc gia đó tham gia vào cuộc xung đột vũ trang”, ông Putin nói hôm 5/3.
Những vùng cấm bay từng được thiết lập trong quá khứ
Trong 30 năm qua, Mỹ và NATO đã dẫn đầu nỗ lực thiết lập các vùng cấm bay trong ba cuộc xung đột khác nhau.
Tại Iraq, bắt đầu từ năm 1992, sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã thực thi vùng cấm bay trên miền nam và miền bắc Iraq trong nỗ lực bảo vệ các khu vực nổi loạn của đất nước khỏi cuộc tấn công từ trên không của chính phủ Tổng thống Saddam Hussein lúc đó. Cơ chế này vẫn được duy trì cho đến khi Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq vào năm 2003.
Tại Bosnia, lực lượng không quân NATO đã hợp tác thực thi vùng cấm bay ở nước Cộng hòa Bosnia và Herzegovina mới thành lập từ năm 1993 đến 1995 để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công trên không, chủ yếu từ lực lượng Bosnia-Serb. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1993 đã thông qua một nghị quyết cho phép các quốc gia thành viên thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ không phận của Bosnia.
Tại Libya, sau khi một cuộc nổi dậy nổi tiếng chống lại nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi nổ ra ở Libya và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi cấm các chuyến bay qua nước này, NATO đã thiết lập một vùng cấm bay trong bối cảnh lo ngại về các hành động tàn bạo hàng loạt của chính phủ. Sự can thiệp của NATO nhanh chóng biến thành một nỗ lực tích cực, giúp phiến quân Libya lật đổ Gaddafi, người đã bị các tay súng đối lập có vũ trang bắt và giết nhiều tháng sau đó.
Tuy nhiên, đối với Ukraine hiện nay, các chuyên gia cho rằng đây là một trường hợp khác với ba trường hợp trước vì Nga là một quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân với lực lượng không quân và phòng không mạnh.
Giải pháp ‘vùng cấm hạn chế’ có khả thi?
Trong khi giải pháp “vùng cấm bay” bị Mỹ và NATO gạt bỏ, một số quan chức đã kêu gọi Hoa Kỳ thực hiện vùng cấm bay “hạn chế” để bảo vệ thường dân ở các khu vực cụ thể của Ukraine.
Một nhóm gồm khoảng 20 chuyên gia an ninh, cựu quan chức ngoại giao và quan chức an ninh quốc gia phục vụ các chính quyền của cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa đã đưa ra một bức thư ngỏ kêu gọi thiết lập một khu vực cấm bay hạn chế.
Được gọi là “vùng cấm bay nhân đạo”, những người ủng hộ cho rằng biện pháp này nó sẽ tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho người Ukraine đang chạy trốn khỏi chiến tranh và cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo trên khắp đất nước Ukraine mà vẫn không làm nghiêng cán cân quân sự của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, theo phân tích của Giáo sư Harris với Alzazeera, biện pháp này vẫn sẽ cần phải được quân đội giám sát, hỗ trợ thực hiện, và nó vẫn tiềm ẩn những rủi ro tính toán sai lầm và khả năng leo thang.
“Tôi không nghĩ rằng có sự khác biệt thực sự”, GS. Harris nói. Ông cho rằng “các hành lang nhân đạo” được đàm phán giữa Ukraine và Nga nhằm cho phép thường chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh là một lựa chọn khác mà không cần NATO phải can thiệp.
Trong khi trả lời báo chí, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng xem đây là giải pháp mang lại hậu quả tương tự như việc thiết lập một vùng cấm bay thực sự.