Đường dẫn truy cập

Dân Phần Lan, Thụy Điển nhiệt tình hơn với việc gia nhập NATO


Binh sĩ tập hợp dưới lá cờ của NATO.
Binh sĩ tập hợp dưới lá cờ của NATO.

Nhiều thập niên sau khi trải qua Chiến tranh Lạnh, không có gì có thể thuyết phục dân chúng ở hai nước trung lập Phần Lan và Thụy Điển về việc gia nhập NATO.

Nhưng bây giờ thì khác.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thay đổi sâu sắc triển vọng an ninh của châu Âu, bao gồm cả đối với các nước Bắc Âu trung lập là Phần Lan và Thụy Điển, nơi đang có mức ủng hộ việc gia nhập NATO tăng lên kỷ lục.

Một cuộc thăm dò do đài truyền hình Phần Lan YLE thực hiện trong tuần này cho thấy, lần đầu tiên, hơn 50% người Phần Lan ủng hộ việc tham gia liên minh quân sự phương Tây. Tại nước láng giềng Thụy Điển, một cuộc thăm dò tương tự cho thấy những người ủng hộ tư cách thành viên NATO nhiều hơn số người phản đối.

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, người đã đề xuất tư cách thành viên NATO, viết trên trang Twitter rằng: “Điều không tưởng có thể bắt đầu trở nên đáng suy nghĩ”.

Cả hai nước sẽ không tham gia liên minh trong một sớm một chiều. Sự ủng hộ đối với tư cách thành viên NATO lúc tăng lúc giảm, và trong quốc hội của hai nước này không có đa số rõ ràng về việc gia nhập NATO.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu thay đổi rõ rệt kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào tuần trước.

Cuộc tấn công vào Ukraine đã khiến cả Phần Lan và Thụy Điển đoạn tuyệt với chính sách không cung cấp vũ khí cho các nước có chiến tranh. Họ đã gửi súng trường tấn công và vũ khí chống tăng tới Kyiv.

Đối với Thụy Điển, đây là lần đầu tiên nước này viện trợ quân sự kể từ năm 1939, khi Thuỵ Điển hỗ trợ Phần Lan chống lại Liên Xô.

Dường như cảm nhận được sự thay đổi ở các nước láng giềng Bắc Âu, Bộ Ngoại giao Nga tuần trước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về điều mà họ mô tả là nỗ lực của Hoa Kỳ và một số đồng minh nhằm “lôi kéo” Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, và cảnh báo rằng Moscow sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa nếu hai nước đó tham gia liên minh.

Chính phủ Thụy Điển và Phần Lan phản pháo lại rằng họ sẽ không để Moscow ra lệnh cho chính sách an ninh của họ.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson nói: “Tôi muốn phân định rõ rằng: Thụy Điển tự quyết định và độc lập về đường lối chính sách an ninh của mình”.

Phần Lan có một lịch sử đầy xung đột với Nga. Quốc gia này có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga. Người Phần Lan đã tham gia hàng chục cuộc chiến chống lại nước láng giềng phía đông, trong nhiều thế kỷ với tư cách là một phần của Vương quốc Thụy Điển, và với tư cách là một quốc gia độc lập trong các cuộc chiến tranh thế giới, bao gồm cả hai cuộc chiến với Liên Xô từ 1939-1940 và 1941-1944.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hậu chiến, Phần Lan theo đuổi các mối quan hệ chính trị và kinh tế thực dụng với Moscow, nhưng vẫn không liên kết quân sự và trở thành vùng đệm trung lập giữa Đông và Tây.

Thụy Điển đã tránh không tham gia vào các liên minh quân sự trong hơn 200 năm, chọn con đường hòa bình sau nhiều thế kỷ chiến tranh với các nước láng giềng.

Cả hai nước đã chấm dứt tình trạng trung lập truyền thống bằng cách gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995 và hợp tác sâu sắc hơn với NATO. Tuy nhiên, đa số người dân ở cả hai quốc gia vẫn kiên quyết phản đối việc trở thành thành viên đầy đủ của liên minh - cho đến khi Nga xâm lược Ukraine.

Cuộc thăm dò của YLE cho thấy 53% ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO, chỉ 28% phản đối. Cuộc thăm dò có biên độ sai số là 2,5 điểm phần trăm và bao gồm 1.382 người được phỏng vấn từ ngày 23/2 đến 25/2. Cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/2.

Tại Thụy Điển, một cuộc thăm dò vào cuối tháng 2 do đài truyền hình công cộng Thụy Điển SVT ủy quyền cho thấy 41% người Thụy Điển ủng hộ tư cách thành viên NATO và 35% phản đối, đánh dấu lần đầu tiên số người ủng hộ vượt quá số người phản đối.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG