Giao tranh dữ dội gần nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu
Một đám cháy đã bùng phát tại một tòa nhà đào tạo bên ngoài nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trong cuộc giao tranh dữ dội giữa quân Nga và quân Ukraine, cơ quan khẩn cấp nhà nước Ukraine cho biết hôm 4/3.
Phát ngôn nhân của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nói với hãng tin RIA rằng mức độ phóng xạ nền không thay đổi. An ninh phóng xạ đã được đảm bảo, giám đốc nhà máy nói với kênh truyền hình Ukraine 24.
Video do nhà máy điện hạt nhân ở phía đông nam thủ đô Kyiv cung cấp dường như cho thấy khói và lửa bốc lên từ một tòa nhà không xác định.
Giao tranh ác liệt đã xảy ra trong khu vực cách Kyiv khoảng 550 km về phía đông nam, thị trưởng thị trấn Energodar gần đó cho biết trên mạng xã hội. Ông cho biết có thương vong, nhưng không nói rõ chi tiết.
“Do pháo kích liên tục của kẻ thù vào các tòa nhà và đơn vị của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang bốc cháy,” Thị trưởng Dmytro Orlov nói trên Telegram. Ông không nói chi tiết.
“Quân đội Nga đang nã đạn từ mọi phía vào nhà máy Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu,”, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba viết trên Twitter.
“Lửa đã bùng phát... Quân Nga phải ngay lập tức ngừng bắn, cho phép lính cứu hỏa vào, thiết lập một khu vực an ninh!”
Zaporizhzhia cung cấp hơn 1/5 tổng điện năng sản xuất ở Ukraine.
(Reuters)
Đức xem xét cấp hàng nghìn tên lửa cho Ukraine
Đức đang xem xét cung cấp 2.700 tên lửa phòng không cho Ukraine trong lúc nước này tìm cách tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga, một nguồn tin chính phủ cho biết hôm 3/3.
Hãng thông tấn Đức DPA trước đó đưa tin rằng Bộ Kinh tế nước này đã chấp thuận cung cấp tên lửa Strela do Liên Xô sản xuất, một phần trong kho của quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây.
Một nguồn tin nói với Reuters rằng Hội đồng An ninh Liên bang vẫn chưa thông qua động thái này. Nguồn tin còn cho biết: “Các tên lửa đã sẵn sàng được vận chuyển.”
Số tên lửa này sẽ bổ sung vào 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger mà Đức cho biết hôm 26/2 rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine, trong một sự thay đổi chính sách sau khi Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine.
(Reuters)
TT Biden: Cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng LHQ cho thấy ‘sự phẫn nộ toàn cầu’ đối với Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi cuộc bỏ phiếu hôm 2/3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm yêu cầu Moscow ngừng ngay lập tức cuộc tấn công vào Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga, trong khi nói rằng điều đó “thể hiện mức độ phẫn nộ toàn cầu trước cuộc tấn công khủng khiếp của Nga đối với một nước láng giềng có chủ quyền.”
Trong một tuyên bố vào tối ngày 2/3, Tổng thống Biden nói cuộc bỏ phiếu của LHQ đã công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công vào chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu – và vào mọi thứ mà Liên Hợp Quốc đại diện cho”.
Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết "Cuộc tấn công chống lại Ukraine" đạt tỷ lệ đồng thuận là 141-5, với 35 phiếu trắng.
(AP)
Mỹ áp thêm các chế tài lên Nga và đồng minh Belarus
Nhà Trắng hôm 2/3 công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga và đồng minh Belarus, bao gồm cả việc mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Nga và các thực thể hỗ trợ quân đội của Nga và Belarus.
Trong số các chế tài mới được công bố có các biện pháp trừng phạt nhắm vào 22 thực thể quốc phòng của Nga chuyên chế tạo máy bay chiến đấu, xe chiến đấu bộ binh, hệ thống tác chiến điện tử, tên lửa và phương tiện bay không người lái cho quân đội Nga.
Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố các biện pháp bổ sung về kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị khai thác dầu và khí đốt, có thể làm ảnh hưởng đến năng lực lọc dầu của Nga về lâu dài.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất được áp đặt hôm 2/3 cũng bao gồm việc Mỹ đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay của Nga.
(AP)