Chính phủ quân sự Myanmar chỉ trích lời kêu gọi của đặc phái viên ASEAN muốn được gặp các bên phản đối cuộc đảo chính hồi năm ngoái mà tập đoàn quân sự gọi là các nhóm ‘khủng bố’.
Với rất ít dấu hiệu cho thấy tập đoàn quân sự thực thi kế hoạch hòa bình 5 điểm mà họ đồng ý với ASEAN hồi năm ngoái, trong đó có chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và cho phép đặc phái viên thúc đẩy đối thoại, chia rẽ đang ngày càng tăng giữa các nước Hiệp hội các Quốc gia đông nam Á về làm sao để khôi phục ổn định.
Sau cuộc họp ngoại trưởng ASEAN hôm17/2, Indonesia cho biết điều quan trọng là đặc phái viên sẽ gặp tất cả các bên trong cuộc xung đột, còn Malaysia kêu gọi đàm phán với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Myanmar (NUG) vốn bao gồm các thành viên của chính quyền bị lật đổ và các đối thủ khác của tập đoàn quân sự.
“Bộ Ngoại giao lưu ý rằng trong khi một số ý kiến mang tính xây dựng về việc thực thi bản đồng thuận 5 điểm, có hai nước đã đề nghị đặc phái viên can dự với các tổ chức và các nhóm khủng bố phi pháp,” Bộ Ngoại giao Myanmar tuyên bố.
Trong phản ứng công khai đầu tiên về cuộc họp ASEAN hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao nước này cho biết đề xuất đặc phái viên giao tiếp với các nhóm như vậy ‘không chỉ trái với các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN mà còn phá hoại các nỗ lực chống khủng bố của ASEAN’.
Các đại diện của chính quyền quân đội Myanmar không được mời tham dự các cuộc họp của ASEAN kể từ cuối năm ngoái.
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ được dân bầu cách đây một năm, với hơn 1.500 thường dân thiệt mạng trong cuộc đàn áp những ai chống lại chính quyền quân sự, theo số liệu được một tổ chức các nhà hoạt động có trụ sở ở Thái Lan đưa ra.
Quân đội Myanmar, vốn tranh cãi về số người chết, cũng đang giao chiến trên nhiều mặt trận với các nhóm vũ trang ủng hộ dân chủ ở nông thôn và các lực lượng thiểu số.
Zin Mar Aung, Ngoại trưởng của chính phủ NUG, hoan nghênh lời kêu gọi của Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah là đặc phái viên Prak Sokhonn nên gặp đại diện NUG.
Trên Twitter, ông Zin Mar Aung cảm ơn ông Saifuddin vì ‘sự ủng hộ mạnh mẽ của ông để tìm giải pháp cho Myanmar và thông điệp rõ ràng của ông đối với đặc phái viên’.
Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn cho biết việc can dự với NUG rất phức tạp vì sự phản đối của chính quyền quân sự, mặc dù nói rằng đặc phái viên có thể đóng vai trò ‘cầu nối’.
Ông cho biết đặc phái viên ASEAN tiền nhiệm đã không thể đến thăm Myanmar vì điều kiện tiên quyết mà một số nước thành viên ASEAN đặt ra mà các tướng lĩnh cầm quyền thấy không thể chấp nhận.
Những điều kiện tiên quyết này bao gồm được gặp bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân chủ bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi năm ngoái và bị xét xử với nhiều tội danh.