Nhà chức trách Nhật Bản hôm 18/2 đã thu hồi giấy phép tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài của một công ty xây dựng sau khi để xảy ra vụ một thực tập sinh Việt Nam bị đồng nghiệp đánh gãy xương và hành hung trong suốt hai năm.
Công ty có tên Six Create ở tỉnh Okayama, miền tây Nhật Bản bị cấm nhận thực tập sinh kỹ thuật trong 5 năm tới theo hình phạt hành chính do Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản và Bộ Lao động nước này đưa ra, theo Kyodo.
“Các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các thực tập sinh kỹ thuật không bao giờ được phép diễn ra”, Bộ trưởng Tư pháp Yoshihisa Furukawa nói tại một cuộc họp báo ở Tokyo hôm 18/2, đồng thời cho biết chính phủ sẽ có hành động nghiêm khắc nếu những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Cơ quan di trú Nhật Bản cũng thừa nhận rằng “vi phạm nhân quyền, bao gồm cả hành hung” đã diễn ra tại công ty trên, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết, vẫn theo Kyodo.
Thực tập sinh người Việt Nam, 41 tuổi, cho biết anh ta đến Nhật Bản vào mùa thu năm 2019 và việc xâm hại bạo lực diễn ra khoảng một tháng sau khi anh ta bắt đầu làm việc. Thực tập sinh này đã bị thương nặng, bao gồm cả gãy xương.
Đoạn video quay cảnh bạo lực cho thấy thực tập sinh người Việt bị đấm đá, bị dùng chổi đánh vào đầu và thân thể, bị la mắng vì không nói được tiếng Nhật đúng cách.
Sau khi sự việc bị phát hiện, công ty đã thừa nhận sai sót và cam kết bồi thường cho thực tập sinh Việt Nam. Thực tập sinh này và các thực tập sinh khác cũng đã được chuyển đến nơi ở của công đoàn quản lý để được chuyển sang các công ty khác, báo cáo của Nhật Bản cho biết.
Tại buổi họp báo ngày 17/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, cũng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã làm việc với chính quyền địa phương để xác minh thông tin và khẳng định thực tập sinh bị bạo hành hiện có sức khỏe thể chất và tinh thần ổn định.
Nhật Bản đã thiết lập chương trình thực tập sinh kỹ thuật vào năm 1993, nhằm mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Nhưng chương trình này đã vấp phải nhiều chỉ trích vì tạo cơ hội cho tình trạng bóc lột lao động và bị cáo buộc là vỏ bọc cho các công ty nhập khẩu lao động giá rẻ từ các nước châu Á khác.