Đường dẫn truy cập

Bao giờ lạm phát mới ngưng?


Có thể đoán trước rằng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ tăng lãi suất trong phiên họp tháng Ba sắp tới và còn tăng thêm ít nhất hai lần nữa trong năm nay.
Có thể đoán trước rằng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ tăng lãi suất trong phiên họp tháng Ba sắp tới và còn tăng thêm ít nhất hai lần nữa trong năm nay.

Nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa -Wyoming) đã kết án chính sách của chính phủ Biden làm dân Mỹ “bị ngập lụt trong lạm phát!” Nếu lạm phát ngưng lại, nhờ bệnh Covid không còn tác hại, và nếu kinh tế hồi phục khả quan, thì ông Biden may mắn!

Cuối năm ngoái giá sinh hoạt tăng lên nhanh, ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) còn dè dặt không tăng lãi suất. Ông nghi rằng lạm phát sẽ giảm bớt khi bệnh dịch nguôi bớt, các xí nghiệp mở cửa lại, công nhân sẵn sàng đi làm và các đường cung cấp tiếp liệu chạy thông hơn. Tăng lãi suất sớm quá có thể khiến kinh tế không hồi phục.

Nhưng ngày Thứ Năm 10 tháng 2, bộ Lao Động công bố tỷ lệ lạm phát đã lên 7.5%, cao nhất kể từ năm 1982. Ông Jerome H. Powell sẽ phải tăng lãi suất trong phiên họp Hội đồng Tiền tệ tháng Ba và tháng Năm tới. Báo Wall Street Journal cho biết ông James Bullard, một thành viên của Hội đồng nghĩ lãi suất cơ bản có thể tăng 25% tới 50%!

Các bà nội trợ đã nếm mùi lạm phát từ cả năm nay rồi. Giá xăng, giá rau đậu thịt cá đều lên. Giá thực phẩm tăng 7%, đi ăn tiệm còn phải trả thêm 8% vì lương nhân viên phục dịch cao hơn. Ông Ryan Sweet, nhà kinh tế của Moody’s Analytics, tiên đoán năm nay nhiều gia đình sẽ phải chi thêm $250 đô la mỗi tháng, so với năm 2019; vì mọi thứ đều lên giá.

Bao giờ cơn sốt lạm phát sẽ nguôi bớt? Nhiều người hy vọng khi bệnh dịch thuyên giảm thì giá sinh hoạt sẽ không tăng nữa, vì các nhà sản xuất làm việc trở lại, cung cấp đủ cho người tiêu thụ. Nhưng khi nhìn vào thành phần các thứ hàng đã tăng giá, thứ nào tăng nhiều nhất và bao giờ mới ngưng, thì thấy nạn lạm phát kỳ này còn tiếp tục khá lâu.

Trước hết là xăng. Một người Mỹ trung bình tiêu tiền đổ xăng gấp nhiều đôi so với năm 2019, trước khi có bệnh dịch Covid-19. Giá xăng lên sẽ đẩy chi phí chuyên chở lên theo khiến các món hàng khác cũng tăng giá. Đồ dùng trong nhà, bánh xe hơi, quần áo và thuốc men, tất cả đều leo thang.

Khó hy vọng giá xăng sẽ đi xuống, vì xăng dầu ở Mỹ cũng tùy thuộc thị trường dầu thế giới. Có một hồi nước Mỹ dư xăng dầu đã đem xuất cảng, nhờ phương pháp mới hút dầu từ các khe đất đá tại những mỏ dầu cũ. Bây giờ nguồn cung cấp đó đang cạn dần. Covid-19 nhẹ hơn, nhu cầu dầu lửa tăng lên nhưng các công ty sản xuất không đầu tư, tìm tòi, khai thác các mỏ dầu mới trong hàng chục năm giá dầu xuống thấp. Phần lớn các mỏ dầu hiện chưa hoạt động trở lại bằng năm 2019. Mùa Hè sắp giá xăng còn tăng, lạm phát sẽ tiếp tục! Cùng với giá xăng, chi phí về tiền điện của dân Mỹ cũng tăng lên nhanh nhất kể từ 16 năm qua.

Ở Mỹ, một trong những thứ lên giá thúc đẩy lạm phát cao hơn là thị trường xe cũ. Xe hơi bây giờ gắn rất nhiều bộ phận điện tử, giống như những computer nho nhỏ. Các công ty Mỹ sản xuất xe phải giảm bớt hoạt động khi thiếu những con chíp điện tử nhập cảng từ nước ngoài. Các nhà sản xuất ở Mỹ không muốn chế những loại “hàng rẻ tiền” đó nữa. Không thể mua xe mới, nhiều người tìm mua xe cũ. Trong tháng Giêng năm 2022, giá xe cũ tăng hơn 40% so với một năm trước. Mùa Hè dân muốn du lịch sẽ đi mua xe nhiều hơn. Áp lực của giá xe cũ trên giá sinh hoạt hy vọng sẽ giảm, khi đường dây cung cấp chíp trở lại bình thường.

Khi tính toán tỷ lệ lạm phát, một thứ giá cả rất quan trọng là chi tiêu về chỗ ở. Tiền thuê nhà là một món chi phí lớn trong ngân sách gia đình, chiếm tỷ trọng một phần ba khi tính chỉ số giá sinh hoạt. Quý vị đang thuê nhà hoặc đang muốn mua nhà sẽ lo lạm phát lên cao trong thời gian tới.

Giá một ngôi nhà trung bình ở Mỹ đã lên tới $346,900, tăng 17 phần trăm trong năm qua, theo Hội Địa Ốc Toàn quốc (National Association of Realtors). Việc xây cất nhà mới gặp trở ngại vì đường dây cung cấp vật liệu tắc nghẽn và khó kiếm được công nhân.

Giá nhà và tiền thuê nhà đã tăng lên đều đều kể từ khi có bệnh dịch. Nhiều người trẻ có việc làm muốn ra ở riêng để tránh mang vi khuẩn về lây sang bố mẹ. Nhiều người đang chia nhau sống trong cùng một nhà hay một căn hộ cũng muốn tách riêng cho đỡ lo bệnh. Trong năm 2021, có thêm gần một triệu rưỡi người ra ở riêng. Những người làm việc văn phòng ở những thành phố lớn đã có dịp làm việc ở nhà, không cần tới sở. Nhiều người ra ở vùng ngoại ô, thuê nhà ở tạm. Những người này thường sẵn tiền, họ chấp nhận giá thuê cao, đẩy những người lợi tức thấp ra ngoài. Theo nhật báo The Wall Street Journal, trong ba tháng sau cùng năm 2021 chỉ có 5.6% các căn hộ cho thuê chưa có người ký mướn, là “tỷ lệ nhà trống” thấp nhất kể từ thập niên 1980.

Tình trạng này khó kéo xuống trong thời gian tới vì chủ nhà thường đòi hỏi người thuê phải ký những hợp đồng dài hạn. Theo báo The Washington Post, giá thuê nhà tăng trên toàn quốc, một căn hộ trung bình nay phải trả tới $1,877 mỗi tháng, 14% cao hơn năm ngoái. Tại các thành phố lớn như Austin, New York và Miami giá thuê nhà tăng từ 30 đến 40 phần trăm.

Giá xăng và giá nhà sẽ làm cho tỷ lệ lạm phát khó đi xuống trong thời gian tới, mặc dù kinh tế nước Mỹ đang hồi phục mạnh. Trong 12 tháng qua kinh tế Mỹ đã tăng thêm gần 7 triệu công việc làm mới; lương công nhân cũng tăng 5.7%.

Phần lớn các nhà kinh tế tin rằng lạm phát sẽ thuyên giảm khi hệ thống các đường cung cấp, tiếp liệu được giải tỏa, công nhân hết sợ bệnh sẽ đi làm trở lại. Nhưng không ai biết các biến thái mới của vi khuẩn Corona sẽ còn hoành hành nữa hay không.

Đáng lo nhất là dù bệnh dịch thuyên giảm lạm phát sẽ còn kéo dài, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ. Một cuộc nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Conference Board đã phỏng vấn 133 CEO, người đứng đầu các công ty lớn ở Mỹ. Ba phần tư nghĩ rằng lạm phát sẽ còn tiếp tục, dù Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Lý do chính được nêu ra là hệ thống tiếp liệu sẽ còn tắc nghẽn. Ba phần tư các người được phỏng vấn cho biết công ty của họ sẽ tăng giá. Hội Liên hiệp các Doanh nghiệp Độc lập (National Federation of Independent Business) cho biết gần một nửa (47%) các hội viên nói sẽ tăng giá trong ba tháng đầu năm 2022.

Có thể đoán trước rằng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ tăng lãi suất trong phiên họp tháng Ba sắp tới và còn tăng thêm ít nhất hai lần nữa trong năm nay. Chưa biết các biện pháp tiền tệ này sẽ đẩy lùi được cơn sóng lạm phát hay không. Nhưng ai cũng thấy trong kỳ bầu cử quốc hội năm nay dân Mỹ sẽ phán xét chính phủ Joe Biden trên tình trạng giá sinh hoạt lên cao. Ngay bây giờ, Nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa -Wyoming) đã kết án chính sách của chính phủ Biden làm dân Mỹ “bị ngập lụt trong lạm phát!” Nếu lạm phát ngưng lại, nhờ bệnh Covid không còn tác hại, và nếu kinh tế hồi phục khả quan, thì ông Biden may mắn!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG