Trong lúc toàn bộ một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hải Dương, miền Bắc Việt Nam, chịu lệnh phong tỏa gắt gao của chính quyền, người dân ở đây ‘đều ý thức tự cách ly’ và ‘sẵn sàng chấp nhận mất Tết để chống dịch Covid-19’, theo tìm hiểu của VOA.
Thành phố Chí Linh, tâm dịch của đợt bùng phát virus corona mới nhất trong cộng đồng ở Việt Nam, bắt đầu phong tỏa toàn bộ 220.000 dân kể từ 12h trưa ngày 28/1 theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, Chí Linh bị ‘cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, phường với phường’, theo tường thuật của báo mạng VnExpress, trong khi các hoạt động và cơ sở kinh doanh không thiết yếu đều phải tạm ngưng và người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Mọi hoạt động giao thông, đi lại từ Chí Linh ra bên ngoài và ngược lại đều bị hạn chế tối đa.
Diễn biến này xảy ra sau khi Chí Linh xác định được 83 người dương tính với virus corona, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất chỉ trong một ngày ở Việt Nam từ trước đến nay, đánh dấu đợt tái bùng phát nghiêm trọng của dịch Covid-19 sau 55 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng.
Đợt bùng phát này cũng được đánh giá là ‘nguy hiểm hơn nhiều’ so với đợt dịch ở Đà Nẵng hồi tháng 7 do có liên quan đến biến thể Covid phát hiện đầu tiên ở Anh.
‘Người dân tự giác’
Trong thời điểm chỉ còn hai tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán, khi người dân Chí Linh chấm dứt ba tuần phong tỏa sẽlà mùng 6 Tết.
Bà Vũ Thị Phương, 38 tuổi, cư ngụ tại thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, cho VOA biết rằng hiện giờ từ thôn này sang thôn khác trong cùng một xã người dân ‘đã không đi được’.
Thôn Bắc Đẩu, nơi bà Phương sống, nằm sát thôn Kim Điền, là nơi có nhiều ca mắc Covid-19, cùng thuộc xã Hưng Đạo.
“Người dân ở nhà không ra ngoài. Trường hợp bắt buộc đi thì phải đo nhiệt độ, khử khuẩn, đeo khẩu trang,” bà cho biết. “Ở ngoài chợ các sạp hàng cách nhau mấy mét và người mua hàng phải đến mua từng người một.”
Theo lời bà thì ngay từ hôm qua (tức 27/1) chính quyền thôn, xã đã thông báo với người dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
“Bắt đầu từ sáng hôm qua xã đã thông báo cho người dân ở đây tự giác cách ly rồi chứ không phải đến hôm nay mới bắt đầu,” bà Phương nói và cho biết hiện giờ chính quyền đã dựng chốt, cắt cử người canh gác ở các ngả đường.
Bà giải thích người dân có thái độ tự giác này là ‘do qua truyền thông biết bệnh này rất nguy hiểm, ở các nước mỗi ngày đều có cả ngàn người chết’.
“Con tôi còn rất bé, chỉ mới có mười mấy tháng. Nếu mình không ý thức thì không may mình bị lây nhiễm mình sẽ lây sang con thì sẽ rất khổ,” bà nói.
Hiện giờ, những người thân và bạn bè của bà không có ai nằm trong diện F1, F2 có tiếp xúc gần với các ca bệnh đã được công bố, cũng theo lời bà, nên chỉ ‘tự cách ly và tự theo dõi sức khỏe, nếu có gì không ổn thì báo ngay cho chính quyền’. “Chính quyền có thông báo những ai thuộc diện F2-F3 phải đi xét nghiệm,” bà cho hay.
Khi được tin dịch bệnh bùng phát ngay tại nơi bà ở, bà Phương nói bà ‘cảm thấy rất sợ và lo lắng cho bản thân và gia đình’.
‘Không có Tết’
Bà Phương cho biết gia đình ‘vẫn chưa chuẩn bị gì cho Tết’ vì hàng năm phải đến ngoài 20 tháng Chạp bà mới sắm sửa Tết.
Bà nói do nhà bà làm nông, tự làm ruộng, trồng rau, nuôi gà ‘nên trong nhà lúc nào cũng có thực phẩm’ trong thời gian phong tỏa. Còn những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu thì bà đã mua thủ sẵn khi có thông báo chuẩn bị phong tỏa rồi.
“Năm nay chỉ ăn Tết trong nhà. Gạo nếp trong nhà có sẵn để gói bánh chưng. Gà trong nhà cũng có,” bà cho biết còn bánh kẹo và hoa quả thì ‘ngoài chợ vẫn có bán’.
Tuy nhiên, do phong tỏa kéo dài qua Tết nên gia đình bà đã ‘chuẩn bị tinh thần không có Tết’.
“Năm nay sẽ không có đi chơi xa và không đi chúc Tết ở nhà ai cả, mà chỉ gia đình sum họp trong nhà thôi,” bà nói.
Bà Phương hiện đang sống cùng chồng con và bố mẹ chồng. Theo lời bà thì đến khi dỡ phong tỏa thì các con bà cũng đã đi học lại, nên Tết năm nay bà ‘không thể về thăm bố mẹ đẻ được’.
“Hy vọng qua đến mùng 6 cũng còn một chút không khí đầu năm. Sau khi dỡ cách ly thì cũng có thể đi chúc Tết mọi người được,” bà giãi bày.
“Bao năm nay năm nào cũng đã đón Tết rồi, nếu có một năm vì sức khỏe của gia đình, của cộng đồng mà ở nhà thì cũng không là vấn đề gì cả,” bà nói thêm.
Về kinh tế, bà Phương nói bà cũng có tiền dành dụm dù không nhiều nhưng ‘cũng đủ chi tiêu trong một hai tháng phải ở nhà’.
“Mọi năm làm ăn có thể đủ ăn và dư dả, nhưng năm nay có thể eo hẹp một chút,” bà Phương, vốn làm nghề buôn bán vàng mã trước các đền chùa, cho biết.
Bà Phương ‘mong sau 21 ngày cách ly sẽ không có thêm ca mắc nào nữa’ và ‘sau mùng 6 người ta bắt đầu đi lễ hội thì mình có thể buôn bán được.’