Một nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống lưu vong ở Mỹ dự đoán rằng nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, người vừa bị chính quyền Việt Nam bắt giữ, ‘sẽ bị tra tấn cả về thể xác và tinh thần trong thời gian tới’ nhưng bà tin ‘Trang sẽ không lung lạc niềm tin của mình’.
Bà Phạm Đoan Trang, một blogger đối lập nổi bật trong nước, bị công an bắt tạm giam hôm 6/10 tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, để điều tra về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự và tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước’ với mức án có thể lên tới 20 năm tù.
Bà Trang từng nhận nhiều giải quốc tế về tự do báo chí và nhân quyền, trong đó có giải Tự do Báo chí của RSF- Phóng viên Không Biên giới-năm 2019. Trước đó, bà được trao giải nhân quyền Homo Homini 2017 tại Cộng hòa Czech.
‘Đấu tranh có kiến thức’
Phản ứng trước tin bà Đoan Trang bị bắt giữ, nhà hoạt động cho quyền lợi của dân oan và công nhân Trần Thị Nga, người từng lãnh án 9 năm tù về cùng tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” và sau đó được phóng thích sang Mỹ tị nạn tại bang Georgia từ đầu năm nay, nói với VOA rằng bà cảm thấy 'rất đau’.
“Bản thân tôi cũng từng bị bắt như vậy, cũng bị chà đạp, cũng bị bức hại y như Đoan Trang bây giờ. Tôi cũng từng bị công an đánh gãy chân,” bà Nga cho biết.
Bà còn nói thêm là dù bị đánh gãy chân như nhau, nhưng hiện giờ bà còn đi lại được chứ Đoan Trang ‘vẫn còn rất đau khi đi lại’.
Nhận định về Đoan Trang, người mà bà từng có cơ hội gặp và trao đổi, bà Nga nói: “Đoan Trang là người mà tôi ngưỡng mộ. Thứ nhất cô ấy có kiến thức. Cô ấy có phương pháp làm việc đấu tranh ôn hòa.”
“Cô ấy là một trong những người có niềm tin vào công việc mình làm là công việc hợp pháp, chính đáng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong một đất nước để đòi những quyền căn bản của chính bản thân mình,” bà Nga nói thêm.
Nhà hoạt động này đưa ra một dẫn chứng về công việc của bà Đoan Trang khiến bà ngưỡng mộ là ‘báo cáo về vụ thảm sát Đồng Tâm’ mà Đoan Trang ‘đã dành ra rất nhiều tâm huyết và thời gian để viết’.
“Tôi tin chắc Đoan Trang vẫn giữ niềm tin của mình theo những gì tôi đã từng được biết và từng tiếp xúc với Đoan Trang,” bà Nga nói. “Tôi cầu nguyện cho Đoan Trang có lòng tin và sức khỏe để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.”
Món hàng trao đổi?
Về hoàn cảnh bà Đoan Trang bị bắt – cùng ngày diễn ra Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 24 – nhà hoạt động Trần Thị Nga cho rằng ‘đó là dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam sẽ lấy Đoan Trang ra làm một món đồ để trao đổi với quốc tế’.
“Việc họ sẽ cầm tù Đoan Trang bao lâu còn tùy thuộc vào cái giá Đảng Cộng sản Việt Nam muốn ‘bán’ Đoan Trang như thế nào,” bà Nga nhận định.
Phạm Đoan Trang từng tham gia một khóa học bên Mỹ nhưng sau đó bà quyết định về lại Việt Nam để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước.
Phóng viên Không Biên giới, tổ chức có trụ sở ở Pháp từng trao giải tự do báo chí cho Phạm Đoan Trang, ngày 7/10 nói: “Tội duy nhất của bà là đem đến cho đồng bào của bà ấy những thông tin được tường thuật độc lập và giúp họ thực thi đầy đủ quyền của mình theo Hiến pháp Việt Nam. Chỗ của bà ấy không phải là trong ngục tù. Bà ấy phải được thả ngay lập tức.”
Cùng với các tổ chức nhân quyền uy tín trên thế giới, RSF lên án vụ bắt giữ này và kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Phạm Đoan Trang ngay lập tức và vô điều kiện.