Thành phố cảng Hải Phòng vừa phê duyệt dự án tổ hợp nhà máy điện khí hóa lỏng trị giá 5,09 tỷ USD do tập đoàn dầu khí hàng đầu của Mỹ, ExxonMobil, phát triển, dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào năm 2026-27.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 1/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết nhà máy điện tại khu công nghiệp Tiên Lãng sẽ có công suất ban đầu là 2,25 gigawatt (GW) và sẽ được mở rộng lên 4,5 GW vào năm 2029-2030, theo Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng.
UBND thành phố này cho biết dự án cũng sẽ bao gồm một kho cảng nhập với công suất 6 triệu tấn khí đốt tự nhiên hoá lỏng mỗi năm.
Tuyên bố của UBND thành phố Hải Phòng được đưa ra vài ngày sau chuyến thăm của Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink hôm 28/9 tới thành phố cảng, trong đó ông đã tới thắp hương tưởng niệm các vị anh hùng đánh bại quân Nam Hán từ phương Bắc ở Bạch Đằng Giang cách đây hơn 1.300 năm. Theo trang tin chính thức của UBND TP Hải Phòng, Đại sứ Mỹ trong chuyến thăm này bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo Hải Phòng “quan tâm ủng hộ Dự án Tổ hợp khí LNG-Điện Hải Phòng của Tập đoàn ExxonMobil với trị giá đầu tư khoảng 5,1 tỷ USD, đồng thời đề nghị thành phố sớm có văn bản gửi Bộ Công thương để hỗ trợ việc đưa Dự án vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh về Phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam.”
Vào tháng 6, báo điện tử chính phủ cho biết Việt Nam hoan nghênh động thái đầu tư vào Việt Nam của tập đoàn Mỹ, trong đó “có khai thác khí thiên nhiên (LNG), lọc hoá dầu và sản xuất điện từ LNG,” sau cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch toàn cầu của tập đoàn ExxonMobil, ông Irtiza Sayyed.
Vào thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam nói rằng một dự án điện ở Hải Phòng có thể sử dụng LNG nhập khẩu từ Hoa Kỳ hoặc các nước khác.
Việt Nam được cho là đang tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hoá của Mỹ, gồm cả than đá và LNG, hơn nữa để thu hẹp thặng dư thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump đe doạ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ngoài dự án ở Hải Phòng, tập đoàn ExxonMobil đang có kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi điện khí công suất 3.000MW tại Long An với cam kết cung cấp liên tục đầy đủ LNG trực tiếp từ Mỹ và một số nước khác, theo Vietnam Finance.
Viện Năng lượng Việt Nam đang soạn thảo quy hoạch tổng thể phát triển điện năng mới và đã lập danh sách 22 nhà máy điện LNG với tổng công suất tiềm năng lên đến 108,5 GW, nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023.
Theo Reuters, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021 do nhu cầu vượt xa việc xây dựng các nhà máy mới.
Một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, LNG Chân Mây, cũng đang có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam để tìm cách thu lợi nhuận từ nhu cầu điện tăng cao của quốc gia Đông Nam Á cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.
John Rockkeep, CEO của liên doanh với 60% vốn của Mỹ, nói với Reuters bên lề Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam 2020 hồi tháng 7 rằng “dự án hiện đang nằm trên bàn của Thủ tướng (Việt Nam) và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào mùa thu này."