Đường dẫn truy cập

Phụ huynh bối rối về chuyện học trực tuyến của con cái


Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Do sự bùng phát của Covid-19 mà ngay sau Tết nguyên đán, học sinh tại các trường học trên cả nước đã phải nghỉ học cho tới nay đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Trước tình thế đó, việc học trực tuyến đã được triển khai gần 3 tháng qua tại các địa phương. Tuy vậy, việc này cho đến nay vẫn đang tạo ra nhiều lo lắng, bối rối cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là những cha mẹ có con đang theo học những lớp cuối cấp, chuẩn bị thi chuyển cấp.

Trong căn nhà chật chội nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị Lê Thị Hồng không giấu được sự lo lắng cho việc học hành của cậu con trai tên Kiệt năm nay đang học lớp 5, chuẩn bị dự kỳ thi chuyển cấp. Theo chị Hồng, việc học trực tuyến hiện tại chỉ đảm bảo chạy đủ chương trình giáo án, chứ học sinh khó có thể tiếp thu được kiến thức như khi bình thường. Đối với những đứa trẻ chăm chỉ và có ý thức sớm thì có thể còn tiếp thu được phần nào, chứ đối với những cậu con trai ham chơi, ngại học như con chị thì việc học trực tuyến thực sự không đem lại kết quả gì.

Dù sao gia đình chị cũng may mắn là có thể chuẩn bị máy tính và thiết bị cho con tham gia học trực tuyến, chứ đối với nhiều gia đình khác trong cùng con ngõ này, việc học trực tuyến thật sự là điều quá xa vời. Chưa kể hệ thống hạ tầng internet và phần mềm cũng chưa thực sự đảm bảo cho các giáo viên có thể giảng dạy cùng một lúc cho hàng chục học sinh trong lớp.

“Thật ra cùng một cái giờ đấy người ta vào cùng một lúc thì cũng không vào được cơ. Chưa kể trong lớp Kiệt có 4, 5 bạn gia đình khó khăn không có máy tính, không học được luôn. Chứ có phải gia đình nào cũng có điều kiện đâu. Bây giờ vẫn đầy nhà nghèo lắm. Học thì chả học gì rồi lại cứ đi thi ý rồi mới khổ thân bọn nó,” chị chia sẻ băn khoăn.

Do số lượng học sinh mỗi lớp quá đông, có những lớp lên tới 60 cháu, nên việc dạy trực tuyến của các giáo viên là không hề đơn giản. Nếu vào muộn thì các cháu sẽ khó tham gia vào nhóm dạy trực tuyến của thầy cô. Bên cạnh đó, việc thầy cô theo dõi, đôn đốc học hành của từng học sinh là hoàn toàn không thể. Nhiều bậc phụ huynh cho biết ngoài việc đầu tư máy tính, Ipad, điện thoại thông minh cho các cháu tham gia học trực tuyến, giờ đây họ hàng ngày cũng phải tham gia học cùng con để hướng dẫn và không để con xao nhãng.

Một số phụ huynh thực sự cảm thấy mệt mỏi vì những việc phát sinh từ học trực tuyến.

Chị Hồng chia sẻ thêm: “Nhà tôi phải hy sinh máy tính của tôi và một cái Ipad của bà để con học trực tuyến, mà lại còn phải đấu nối vào ti vi. Bởi ví dụ như nó chạy từ 8h đến 8h30 con mình thì làm sao chép theo kịp hết, thế là phải ghi lại rồi mở ra để bọn nó chép đầy đủ. Đầu tư nhiều phết đấy. Mà các cô lại yêu cầu chép đầy đủ vào vở để kiểm tra cuối năm. Những chương trình học online này sẽ không dạy lại nữa, thế thì ai mà không hốt. Nghĩa là người ta không muốn cái chương trình học năm nay bị xoá đi làm lại. Tôi thì làm sao mà kèm được. Vẫn phải làm việc, học hành thục mạng, lại nấu mấy bữa ăn nữa thì cũng hết ngày rồi. Chúng nó tự kèm nhau học, rồi làm bài thì chụp ảnh gửi cho tôi, tôi lại gửi cho giáo viên. Mà bọn nó lại học lớp văn, lớp toán rồi tổng thể tất cả các môn. Thế nữa cơ”.

Theo các giáo viên, thời gian đầu do còn nhiều bỡ ngỡ nên việc dạy trực tuyến khá khó khăn đối với nhiều người. Một tiết học có 40 phút, thậm chí có người mất tới 20 phút mới vào online được để nhìn thấy học sinh.

Vào thời điểm này, các yếu tố kỹ thuật hầu như đã được giải quyết ổn thoả. Tuy nhiên, giờ đây phần lớn các trường đều muốn ‘trực tuyến’ tất cả các môn học thay vì một số môn chính như toán, văn hay ngoại ngữ như trước đây.

Cô Đỗ Thị Thảo, một giáo viên lâu năm của một trường tiểu học và trung học cơ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho rằng thực tế việc dạy và học trực tuyến hiện chỉ có thể tiến hành ở các thành phố có điều kiện hạ tầng về internet và đời sống người dân tương đối khá, hơn là các vùng nông thôn. Sau này khi tham dự vào các kỳ thi quốc gia như thi vào các trường đại học và cao đẳng thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho các học sinh ở nông thôn.

Cô Thảo cho biết: “ Ví dụ ở nhà mình có máy in thì khi làm bài tập mình in ra rồi chụp ảnh gửi cho tất cả chúng nó. Bố mẹ ở thành phố nếu nhà không có máy in thì có thể chạy ra hàng in, chứ ở nông thôn thì làm gì có. Ngày trước chỉ yêu cầu những môn chính giờ giáo dục công dân, ngoại ngữ hai, nhạc hoạ đưa vào dạy tất. Đủ cả…”

Cũng có phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh có con không học ở năm cuối cấp, cho rằng việc học trực tuyến hiện nay chỉ là cách để giúp trẻ nhỏ không quên kiến thức. Vì vậy, theo họ, không cần quá nặng nề trong việc tiếp thu kiến thức mới, vì thực tế việc học tại nhà cũng khó đòi hỏi các cháu tập trung và học hành nghiêm chỉnh như ở trường. Nếu cố ép thì khổ cả phụ huynh lẫn con cái.

Chị Dương Thị Phương, một phụ huynh sinh sống tại quận Ba Đình hiện có con gái đang học lớp 3, cho rằng thậm chí nếu cần cho cháu học lại một năm còn hơn là cố gắng ép cháu học trực tuyến với lượng kiến thức khổng lồ theo kiểu ‘chạy chương trình’ và nhồi nhét.

VOA Express

XS
SM
MD
LG